Những chỉ dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lần thứ 4 về thăm tỉnh Nam Định

Điều đó được ghi dấu ấn đậm nét trong lần thứ 4 Bác về thăm Nam Định (15-3-1959) và những chỉ dạy của Người đối với lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp Dệt.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm công nhân Nhà máy Dệt Nam Định trong lần thứ 4 về thăm tỉnh (3-1959). Ảnh: Tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm công nhân Nhà máy Dệt Nam Định trong
lần thứ 4 về thăm tỉnh (3-1959). (Ảnh: Tư liệu)

Năm 1959, thời tiết khắc nghiệt, hạn hán diễn ra trên diện rộng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi thăm nhiều địa phương để động viên phong trào chống hạn. Ngày 15-3-1959, Người cùng Phó Trưởng ban Thường trực Quốc hội Tôn Quang Phiệt và Bộ trưởng Bộ Thuỷ lợi Trần Đăng Khoa về thăm tỉnh Nam Định, nói chuyện với hàng nghìn cán bộ, đảng viên, nhân dân về việc chống hạn, đẩy mạnh vụ chiêm và phát triển ngành nông nghiệp. Người khen Đảng bộ và nhân dân Nam Định đã có nhiều cố gắng trong việc chống hạn, không sợ khó, sợ khổ, quyết tâm, không thụ động trông chờ vào trời đất, máy móc, cấp trên, nên đã giải quyết chống hạn được cho 4 vạn mẫu lúa. Đây là một cố gắng rất lớn. Đồng thời, Người cũng chỉ rõ, thời gian qua, ở một số nơi, cách nhìn nhận, chỉ đạo cũng còn những hạn chế, quyết tâm chưa cao. Tư tưởng của một số người chưa thông, còn sợ khó, sợ khổ, ỷ lại, chưa biết học hỏi kinh nghiệm của quần chúng, nhất là của những người cao tuổi, vì thế mà mặc dù dân số đông, nguồn nước nhiều, nhưng do không biết cách giữ nước, việc đào mương, tát nước còn kém, vẫn để diện tích hạn diễn ra nhiều. Toàn tỉnh còn tới hơn 2 vạn mẫu lúa bị hạn, có thể thất thu tới 57 nghìn tấn thóc. Để giải quyết tình trạng trên, giải pháp là không ỷ lại, mà phải quyết tâm khắc phục. Quyết tâm nhưng phải bền bỉ, phải “biến quyết tâm ấy thành quyết tâm của tất cả cán bộ và quần chúng”. Người chỉ rõ “muốn làm tròn nhiệm vụ ấy phải chống tư tưởng bảo thủ, tư tưởng sợ khó, tư tưởng mệt mỏi, tư tưởng ỷ lại, tức là phải quyết tâm, quyết tâm và quyết tâm nữa, quyết tâm mãi làm cho đến thắng lợi”. Mùa trước đây nhân dân đã "Vắt đất ra nước, thay trời làm mưa" thì nay phải tiếp tục thực hiện. Phải tập trung lực lượng, tìm nguồn nước, khơi mương rãnh, có kế hoạch giữ nước và "trong lúc chống hạn, phòng hạn thì phải có kế hoạch phòng úng”.

Để tiến tới phát triển một nền nông nghiệp toàn diện, Người chỉ dạy phải chú ý phát triển đồng bộ giữa cây lúa, cây hoa màu, cây công nghiệp và chăn nuôi. Giữa chúng có mối quan hệ hữu cơ, tương trợ lẫn nhau, “cái nọ giúp cho cái kia”. Nếu một trong những lĩnh vực trên yếu kém thì sẽ tác động không tốt tới các lĩnh vực còn lại.

Cùng với việc đẩy mạnh công tác thủy lợi, để phát triển nông nghiệp, Người chỉ dạy phải chủ động trong việc phòng trừ sâu bệnh và xác định “là nhiệm vụ của mọi cán bộ và nhân dân”. Đồng thời, cần củng cố các tổ đổi công, các hợp tác xã, làm cho tổ đổi công, hợp tác xã đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau và giúp đỡ đồng bào còn làm riêng lẻ. Đặc biệt là phải tương trợ giúp đỡ nhau cả về vật chất và tinh thần, nhất là đối với một số đồng bào hiện nay còn thiếu thốn, cố gắng thi đua cấy hết diện tích, bảo đảm sản xuất, bảo đảm vụ đông xuân thắng lợi. Nhân dịp này, Người trao lại cho tỉnh 12 huy hiệu của Người để làm giải thưởng cho những đơn vị, cá nhân có thành tích chống hạn tốt.

Cùng với những chỉ dạy trong công tác chống hạn, lĩnh vực nông nghiệp, khi được biết tình hình công tác phát động cải tiến quản lý xí nghiệp ở Nhà máy Dệt Nam Định tiến hành chậm, sản xuất vải bị hụt mức, Người đã gặp Đảng uỷ, lãnh đạo Nhà máy căn dặn:

Thứ nhất: Phải biết phát động quần chúng cải tiến quản lý xí nghiệp gọn và tốt. Đây là một trong những nội dung quan trọng để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Cải tiến quản lý cũng là giải pháp để phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và quản lý xí nghiệp tốt nhất.

Thứ hai: Phải đảm bảo kế hoạch cả về sản lượng và chất lượng, không để hụt mức sản xuất. Phương châm là phải làm nhiều, nhanh, tốt, rẻ. Người cán bộ phải “biết tuyên truyền, giải thích cho công nhân, cho đảng viên và đoàn viên, thanh niên, làm cho quyết tâm của lãnh đạo trở thành quyết tâm của toàn thể đoàn viên và công nhân” để giành năng suất, chất lượng, hiệu quả cao.

Thứ ba: Phải phát huy tính xung phong gương mẫu của cán bộ lãnh đạo, đảng viên, đoàn viên, thanh niên, cán bộ công đoàn. Người chỉ rõ nội bộ lãnh đạo phải đoàn kết nhất trí, cán bộ phải đi vào công nhân, phải sắp xếp công việc để mỗi tuần tham gia lao động một ngày. Phải lắng nghe sáng kiến và lời phê bình của công nhân, phải thật sự dựa vào công nhân, đi đúng đường lối quần chúng, nắm vững chính sách của Đảng. Mỗi tấm gương tốt của cán bộ lãnh đạo, đảng viên sẽ có sức lan tỏa, động viên, khích lệ tích cực đối với toàn thể anh chị em trong Nhà máy.

Thứ tư: Phải khéo tổ chức công nhân tham gia quản lý Nhà máy. Người chỉ rõ công nhân bây giờ làm chủ, không phải đi làm thuê như trước, do đó để công nhân có thể tham gia quản lý Nhà máy thì phải khéo tổ chức. Phải động viên công nhân nói lên những suy nghĩ của mình. Những yêu cầu đúng của công nhân thì phải chăm lo thực hiện. Nếu biết làm tốt công tác tuyên truyền giải thích thì công nhân nhất định sẽ hiểu, sẽ tin và làm tốt hơn.

Thứ năm: Phải chú trọng công tác phát triển đảng viên và đoàn viên, thanh niên. Theo Người, trong một nhà máy có tới hơn một vạn công nhân, mà chỉ có hơn 1.600 đảng viên và đoàn viên là quá ít, do đó phải chăm lo bồi dưỡng và phát triển những công nhân có đủ tiêu chuẩn vào Đảng và Đoàn; đồng thời phải chú trọng bồi dưỡng và cất nhắc cán bộ nữ.

60 năm đã qua kể từ ngày Bác Hồ về thăm tỉnh Nam Định lần thứ 4 với những chỉ dạy, căn dặn sâu sắc vẫn còn nguyên giá trị. Những chỉ dạy của Người về phát triển một nền nông nghiệp cân đối, phục vụ tốt hơn nữa đời sống nông dân đã được Đảng bộ Nam Định tiếp thu tổ chức thực hiện để phát triển nền nông nghiệp toàn diện, theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, chất lượng, hiệu quả. Đó là tập trung thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển bền vững, hiệu quả gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Giá trị sản xuất nông nghiệp hàng năm tăng trưởng khá. Trong năm vừa qua, giá trị sản xuất nông, lâm, thuỷ sản tăng trưởng 3,8% (so với năm 2017); Các địa phương trong tỉnh đã tập trung phát triển sản xuất theo mô hình “cánh đồng lớn”, “cánh đồng liên kết” gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Diện tích áp dụng gieo sạ đạt 58.620ha, chiếm 39% diện tích. Toàn tỉnh có 207 cánh đồng lớn, trong đó có 34 cánh đồng lớn liên kết chuỗi giá trị với diện tích 1.480ha... Những kết quả trên lĩnh vực nông nghiệp đã đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh. Chương trình xây dựng NTM đem đến một luồng gió mới, phát huy tinh thần đoàn kết và sự cộng đồng trách nhiệm, tạo sự khởi sắc bộ mặt nông thôn các vùng quê trong tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 100% xã, thị trấn và 7/10 huyện, thành phố được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (tỉnh Nam Định là một trong hai tỉnh đầu tiên của cả nước có 100% số xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới). Nam Định được đánh giá là một trong những tỉnh dẫn đầu toàn quốc về xây dựng NTM. Toàn Đảng bộ triển khai đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Những việc làm cụ thể, thiết thực, những mô hình hay, cách làm sáng tạo từ việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác đã tạo nên những hiệu ứng tích cực, góp phần tạo nền tảng vững chắc cho sự khởi sắc toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh. Đặc biệt kinh tế - xã hội của tỉnh năm vừa qua đạt được thành tích toàn diện nhất, cao nhất, kể từ đầu nhiệm kỳ: Có 20/21 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch; tốc độ tăng trưởng GRDP (theo giá so sánh 2010) tăng 8,1%, cao nhất trong 3 năm 2016 - 2018; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 13,5%; kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt trên 2,6 tỷ USD; thu ngân sách ước đạt 5.208 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ... Môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh tiếp tục được cải thiện đã tạo điều kiện thu hút tốt hơn các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội cả năm ước đạt 30.750 tỷ đồng, tăng 15,1% so với cùng kỳ; đã thu hút đầu tư và điều chỉnh tăng vốn đầu tư 85 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đăng ký 2.193 tỷ đồng; 24 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký là 197,5 triệu USD và 206,5 tỷ đồng... Hiện nay Nhà máy Dệt Nam Định đã có nhiều thay đổi, đã tiến hành cổ phần hóa, nhưng những chỉ dạy của Người về công tác tổ chức, cải tiến quản lý, phát huy tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, tính sáng tạo của công nhân, phát động các phong trào sôi nổi để đảm bảo định mức kế hoạch vẫn luôn là những bài học để phát triển ngành Dệt May trong bối cảnh đổi mới hội nhập hiện nay. Cùng với sự phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hoá, xã hội phát triển toàn diện, an sinh xã hội được đảm bảo, quốc phòng - an ninh được giữ vững.

Những lời di huấn thiêng liêng của Bác luôn tỏa sáng, soi rọi trong suốt chiều dài của lịch sử, là động lực để Đảng bộ, quân và dân Nam Định phát huy tinh thần đoàn kết, đồng lòng, với quyết tâm mạnh mẽ, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để vững bước đi lên./.

 

Nguyễn Kim Chiến

(Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nam Định)

Theo http://baonamdinh.com.vn

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website