Ngành Mắt Việt Nam ghi tạc những lời Bác dạy

Cùng với chính quyền cách mạng từ chiến khu Việt Bắc trở về tiếp quản Thủ đô, Viện Mắt cũng tiếp quản cơ sở và bắt tay xây dựng, củng cố lại công tác khám chữa mắt, trước tình hình dịch bệnh mắt hột lan rộng khắp miền Bắc.

Mùa thu năm 1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm Viện Mắt. Một mốc son lịch sử quan trọng, đánh dấu bước ngoặt trong quá trình xây dựng và phát triển của Viện Mắt nói riêng và ngành mắt Việt Nam nói chung.

Bác Hồ đến thăm rất bất ngờ và không báo trước. Bác đi thẳng vào nhà bếp của Viện thăm hỏi các chị cấp dưỡng, rồi dọc theo hành lang vào các phòng điều trị nội trú. Các phòng ngỡ ngàng hò reo: Bác Hồ, Bác Hồ đến! Bác ân cần thăm hỏi người bệnh đang điều trị, chia sẻ với điều kiện khó khăn chật chội của bệnh nhân…. Người cầm tay người bệnh, xem mắt bệnh, thăm hỏi người bệnh như một thầy thuốc nhãn khoa.

 

 Mùa thu năm 1956, Bác Hồ đến thăm Viện Mắt.

(Ảnh: Tư liệu của Bệnh viện Mắt Trung ương)

Bệnh nhân quá đông và chỗ làm việc chật chội, Bác muốn Viện Mắt cần được quan tâm cải tạo và xây dựng thêm cơ sở vật chất. Tiếp đó Bác vào phòng mổ xem các bác sỹ mổ lông quặm. Tại đây, Người dõi theo từng động tác của các bác sỹ, y tá phẫu thuật… rồi Bác qua thăm phòng chiếu chụp điện quang. Sau cùng, Bác Hồ lên hội trường và nói chuyện với cán bộ, nhân viên Viện Mắt. Bác hỏi: Tại sao đồng bào đau mắt đông quá mà Viện thì nhỏ bé, đồng bào phải chen lấn vất vả đến khám bệnh...? Các thầy thuốc có đủ để phục vụ đồng bào không? Lúc đó, đồng chí Phạm Viết My – Phó Viện trưởng cùng một số đồng chí khác báo cáo, trình bày với Bác những khó khăn về tổ chức, cơ sở vật chất, kinh phí không đủ để đáp ứng công việc, tình hình diễn biến bệnh mắt hột trong nhân dân hiện rất trầm trọng, để lại nhiều di chứng nặng nề... Bác đã động viên cán bộ nhân viên Viện Mắt phải cố gắng phục vụ, Bác sẽ nhắc Bộ Y tế quan tâm đến ngành mắt, nhưng Viện phải làm sao cho người bệnh đỡ khổ thì Bác mới vui...

Bác Hồ căn dặn: “Các cô, các chú là những người thầy thuốc chữa mắt nên phải có phương pháp dự phòng bệnh mắt hột, phải tích cực chạy chữa cho những người bị đau mắt, đem lại ánh sáng cho nhân dân”. Mọi người đều xúc động, đã đề nghị hát tặng Bác một bài. Khi bài hát chưa dứt thì Bác đã giơ tay vẫy chào mọi người rồi vội vã bước đi....

Trong bối cảnh đội ngũ cán bộ nòng cốt của Viện Mắt từ chiến khu về tiếp quản Viện Mắt, cơ sở vật chất còn ngổn ngang, cán bộ nhân viên cũng thiếu nhiều, người bệnh khám điều trị tại Viện rất đông... tất cả đang bộn bề.

Kể từ khi sự kiện Bác Hồ đến thăm Viện Mắt như luồng sinh khí mới, đã tạo môi trường làm việc, lao động hăng say, phấn khởi của cán bộ nhân viên toàn Viện. Toàn thể cán bộ, nhân viên đều xúc động trước những cử chỉ ân cần của Người, giọng nói ấm áp, truyền cảm nhẹ nhàng và những lời dạy sâu sắc... Người đi đến thăm từng khoa phòng trong Viện, xuống nhà bếp để xem chế độ ăn uống, vệ sinh của cán bộ và người bệnh ra sao, Người chia sẻ với cán bộ Viện Mắt với điều kiện phòng mổ, nơi làm việc, những thiếu thốn về thiết bị dụng cụ, thuốc men ... Người quan tâm đến từng chi tiết dù nhỏ nhất. Tình cảm của Người chân thành, mộc mạc, gần gũi, không có khoảng cách của một lãnh tụ...

 

 Đồng chí Phạm Viết My, Phó viện trưởng Viện Mắt

giới thiệu những khó khăn cơ sở vật chất với Bác Hồ

(Ảnh: Tư liệu của Bệnh viện Mắt Trung ương)

Sau chuyến thăm đầy ý nghĩa ấy của Bác Hồ, cảm thông với điều kiện cơ sở còn thấp kém, Bộ Y tế đã cấp kinh phí cho Viện Mắt xây dựng toà nhà 3 tầng ở phía đường Trần Nhân Tông, nới rộng thêm diện tích sử dụng. Đầu năm 1957, Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng cũng đã đến thăm Viện Mắt. Ngày 1/7/1957, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 278/TTg thành lập Viện Mắt Hột – cơ sở tiền thân của Bệnh viện Mắt Trung ương ngày nay, mở ra thời kỳ phát triển mới của Viện Mắt dưới chính quyền cách mạng.

Thời kỳ này bệnh mắt hột đang trở thành một bệnh dịch rất lớn trên diện rộng trong cộng đồng, điều trị phức tạp và lâu khỏi. Trong chuyến thăm và làm việc tại Liên Xô, Bác Hồ có đề nghị nước bạn cử chuyên gia đến Việt Nam, giúp ngành mắt - Viện Mắt thực hiện công tác phòng chống bệnh mắt hột. Thực hiện những đề nghị của Bác, đoàn chuyên gia Liên Xô đầu tiên đã sang giúp Viện Mắt với thời gian công tác dài ngày – 18 tháng về lĩnh vực phòng chống bệnh mắt hột. Nhờ đó, bệnh mắt hột ngày càng được kiểm soát, đẩy lui và giờ đây Việt Nam đã thanh toán được bệnh mắt hột.

Trong bản Di chúc, Bác ví von đại đoàn kết trong Đảng như con ngươi: “...Cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”, điều đó cho thấy Bác đánh giá rất cao vai trò của đôi mắt, cả nghĩa đen và nghĩa bóng, đôi mắt mà Người muốn nói đến là ánh sáng, là đường lối, là tầm nhìn, đoàn kết giúp cho tổ chức vững mạnh, con đường đưa cách mạng đi đến mọi thắng lợi.

Trong dịp kỷ niệm 60 năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thăm Bệnh viện Mắt Trung ương và tiếp tục nhắc lại những lời di huấn năm xưa của Bác Hồ. Bên cạnh những thành tích to lớn được xây đắp qua nhiều thập kỷ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị “Xây dựng Bệnh viện Mắt Trung ương tiếp tục trở thành trung tâm nhãn khoa của cả nước, sánh vai với các trung tâm nhãn khoa của khu vực và thế giới, tôi mong muốn tập thể y bác sĩ bệnh viện đoàn kết một lòng, vì sự nghiệp chung chăm sóc đôi mắt" .

 

Bác Hồ thăm bệnh nhân điều trị tại Việt Mắt năm 1956.

(Ảnh: Tư liệu của Bệnh viện Mắt Trung ương)

Trong thời kỳ đổi mới, dưới sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và Bộ Y tế, Bệnh viện Mắt Trung ương không ngừng phát triển lớn mạnh. Đến nay, Bệnh viện đã có cơ sở hạ tầng khang trang với máy móc trang thiết bị hiện đại, quy mô 450 giường bệnh, đội ngũ nhân lực y tế có trình độ chuyên môn sâu, giỏi được đào tạo và tu nghiệp ở các nước tiên tiến trên thế giới, có khả năng trong chẩn đoán, điều trị, phẫu thuật những bệnh khó trong lĩnh vực Nhãn khoa. Hàng năm, Bệnh viện khám và điều trị cho hơn 300.000 người, trong đó rất nhiều bệnh nhân nặng, ca bệnh khó được chuyển từ các tuyến của cả nước.

Trải qua hơn 60 năm xây dựng và phát triển, tập thể cán bộ nhân viên Bệnh viện Mắt Trung ương đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu cao quý như: Huân chương Độc lập hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì; Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới (năm 2005) cùng nhiều phần thưởng cao quý khác…

Trên nền tảng xây dựng và phát triển qua nhiều thập kỷ, Bệnh viện Mắt Trung ương đã xây dựng đội ngũ bác sỹ, phẫu thuật viên, kỹ thuật viên, điều dưỡng viên xuất sắc, đạt trình độ chuyên môn cao, tâm huyết với nghề, giàu kinh nghiệm. Trong vai trò là Bệnh viện chuyên khoa đầu ngành của cả nước, luôn đi đầu về phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến nhất của thế giới,  được Bộ Y tế và Nhà nước giao trọng trách chính trong công tác phòng chống mù lòa ở Việt Nam, là “cái nôi” đào tạo và bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ nhãn khoa tuyến dưới, là trung tâm triển khai các hoạt động chăm sóc mắt cộng đồng, thực hiện các mục tiêu phòng chống mù lòa quốc gia.

Lời dạy của Bác Hồ đối với cán bộ, nhân viên Viện Mắt đã cách đây đã 63 năm nhưng tính thời sự vẫn còn đó, với những giá trị nhân văn sâu sắc thấm sâu vào tâm trí mỗi người thầy thuốc nhãn khoa ngày nay. Lời căn dặn năm ấy giờ đây đã vượt qua khuôn khổ ở một cơ quan Viện Mắt, trở thành lời động viên “truyền lửa” qua các thế hệ cho toàn thể cán bộ ngành mắt Việt Nam.

Như sự tri ân và ghi tạc những di huấn của Người, tập thể cán bộ Bệnh viện Mắt Trung ương luôn quyết tâm phấn đấu theo lời dạy của Người, tiếp bước noi theo những tấm gương sáng của ngành mắt, không ngừng nỗ lực học tập đạo đức cách mạng Hồ Chí Minh, đoàn kết, quyết tâm xây dựng Bệnh viện trở thành trung tâm nhãn khoa hàng đầu khu vực châu Á, thực hiện trọn vẹn sứ mệnh mà sinh thời Người từng căn dặn: “Phải tích cực chạy chữa cho những người bị đau mắt, đem lại ánh sáng cho nhân dân”!./.

PGS. TS Nguyễn Xuân Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương,

Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội nhãn khoa Việt Nam

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website