Luận thuyết cách mạng sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh

 

Lãnh tụ Hồ Chí Minh (1890 - 1969) sinh ra và trưởng thành ở Việt Nam - một đất nước phong kiến lâu đời, bị thực dân Pháp xâm lược, đô hộ từ năm 1858. Là một dân tộc có truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm nên ngay từ lúc này phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của nhân dân ta đã diễn ra liên tục, nóng bỏng trong khắp cả nước. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh một nước nông nghiệp lạc hậu, đất không rộng, người không đông, tiềm lực kinh tế yếu kém, lại phải chống chọi với một nước tư bản, thực dân, đế quốc “hùng mạnh” và hung bạo lúc bấy giờ quả là một bài toán chưa có lời giải. Mặc dù các phong trào yêu nước liên tục nổi lên nhưng con đường đúng đắn để giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước vẫn rất bế tắc.

Trước tình cảnh đó, năm 1911, anh Ba - Nguyễn Tất Thành đã tạm biệt quê hương, bôn ba tìm đường cứu nước. Người đã đi khắp năm châu, bốn biển, ở đâu Người cũng sống hòa đồng với nhân dân lao động cần lao, cảm thông sâu sắc với nỗi thống khổ của họ. Người đã nghiên cứu rất sâu sắc, tỉ mỉ chủ nghĩa Mác - Lênin và các cuộc cách mạng ở nhiều châu lục, nhiều nước khác nhau (Mỹ, Anh, Đức, Pháp... và đặc biệt là các cuộc cách mạng ở nước Nga). Năm 1925, Người đã tìm ra con đường cứu nước đúng đắn, thể hiện trong tác phẩm lớn Đường Kách mệnh. Đây là tài liệu huấn luyện chính trị nhằm truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng và phương pháp cách mạng cho các cán bộ cách mạng Việt Nam những năm 1925 - 1927 nên Người viết rất ngắn, gọn và vô cùng súc tích, đọc đến đâu, hiểu đến đó. Trong câu hỏi “Kách mệnh Nga đối với kách mệnh An Nam như thế nào?”, Người viết: “Kách mệnh Nga dạy cho chúng ta rằng muốn kách mệnh thành công thì phải dân chúng (công nông) làm gốc, phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất. Nói tóm lại là phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lênin”(1). Tác phẩm quan trọng này được xuất bản lần đầu tiên tại Quảng Châu, Trung Quốc năm 1927 và là tác phẩm lý luận cách mạng đầu tiên của Đảng ta. Trước khi đưa ra luận điểm của mình, trong “Báo cáo về Bắc kỳ, Trung kỳ và Nam kỳ”, năm 1924 Nguyễn Ái Quốc đã lập luận rất rõ rằng, “Dù sao thì cũng không thể cấm bổ sung “cơ sở lịch sử” của chủ nghĩa Mác bằng cách đưa thêm vào đó những tư liệu mà Mác ở thời kỳ mình không thể có được.

Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu. Mà châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại.

... Xem xét chủ nghĩa Mác về cơ sở lịch sử của nó, củng cố nó bằng dân tộc học phương Đông. Đó chính là nhiệm vụ mà các Xô viết đảm nhiệm (ban thuộc địa của chúng tôi vừa nhận được thư mời chúng tôi tham gia công tác này” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 1, trang 465). Luận điểm này, trước ngày tổng khởi nghĩa, Bác đã giải thích rất đơn giản nhưng cực kỳ rõ ràng, Vì có đoàn kết mới có lực lượng, có lực lượng mới giành được ĐỘC LẬP, TỰ DO.

Bác Hồ và đại biểu phụ nữ dân tộc ít người tại Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ III, tháng 3/1961. Ảnh tư liệu
Bác Hồ và đại biểu phụ nữ dân tộc ít người tại Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ III, tháng 3/1961. Ảnh tư liệu

Ở bất kỳ giai đoạn nào lãnh tụ Hồ Chí Minh cũng đề cao, nhấn đậm một trong những phương pháp cách mạng để bảo đảm cho thắng lợi của cách mạng là tập hợp lực lượng, đoàn kết các dân tộc, đoàn kết mọi thành phần xã hội trong và ngoài nước. Đây là một luận điểm cách mạng hết sức độc đáo của Người. Như đã biết, trong tất cả các tình huống cấp bách, kể cả lúc “ngàn cân treo sợi tóc”, nhờ có đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng, của Bác, tập hợp và đoàn kết mọi lực lượng thành một khối vững bền mà Đảng và Bác kính yêu đã đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này sang thắng lợi khác.

“Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; thành công, thành công, đại thành công” không chỉ là khẩu hiệu mà là một luận thuyết cách mạng sáng tạo. Trong buổi khai mạc Đại hội thống nhất Việt minh - Liên việt ngày 03/03/1951, Bác đã xúc động nói rằng: “Một người đã cùng các vị đấu tranh bấy nhiêu năm cho khối đại đoàn kết toàn dân. Hôm nay trông thấy rừng cây đại đoàn kết ấy đã nở hoa kết quả và gốc rễ nó đang ăn sâu lan rộng khắp toàn dân, và nó có cái tương lai “trường xuân bất lão”. Vì vậy cho nên lòng tôi sung sướng vô cùng... Toàn dân đại đoàn kết muôn năm” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, trang 181 - 182).

Ít lâu sau, nhân dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và ngày độc lập năm 1951, một lần nữa Người nhấn mạnh: “Lòng yêu nước và sự đoàn kết của nhân dân là một lực lượng vô cùng to lớn, không ai thắng nổi. Nhờ lực lượng ấy mà tổ tiên ta đã đánh thắng quân Nguyên, quân Minh, đã giữ vững tự do, dân chủ. Nhờ lực lượng ấy mà chúng ta cách mạng thành công, giành được độc lập. Nhờ lực lượng ấy mà sức kháng chiến của ta càng ngày càng mạnh. Nhờ lực lượng ấy mà quân và dân ta quyết chịu đựng muôn nỗi khó khăn thiếu thốn, đói khổ, tang tóc, quyết một lòng đánh tan quân giặc cướp nước...” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, trang 281 - 282).

Trước lúc đi xa, trong Di chúc, Người vẫn thiết tha dặn lại: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.

Xuất phát từ thực tiễn Việt Nam và tổng kết các cuộc cách mạng thế giới, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã vạch ra đường lối cách mạng cực kỳ chuẩn xác để giải phóng đất nước, giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức đô hộ của thực dân, đế quốc. Đó là đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; thành công, thành công, đại thành công.

Đường lối và phương pháp cách mạng này không chỉ có ý nghĩa trong cách mạng giải phóng dân tộc, mà có giá trị vĩnh cửu cho mọi giai đoạn, mọi cuộc cách mạng, kể cả cách mạng xây dựng chủ nghĩa xã hội ngày nay.

______________

(1) Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 1 (1924-1930), Nxb CTQG, HN 1995, tr. 280.

TS. Bùi Ngọc Thanh, Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Theo Báo Đại biểu nhân dân


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website