Học viện Quân y làm theo lời Bác, xây dựng đội ngũ giảng viên “3 trong 1”

Ngày 10-03-1949, Trường Quân y sĩ Việt Nam - tiền thân của Học viện Quân y ngày nay - tổ chức khai giảng khóa đào tạo quân y sĩ đầu tiên, đánh dấu bước ngoặt phát triển của ngành Quân y cách mạng. Suốt chặng đường 70 năm xây dựng, phát triển, dù trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào, các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên của Học viện luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, nỗ lực khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Học viện đã đào tạo hàng chục nghìn bác sĩ, nhân viên quân y, cùng hàng trăm tiến sĩ, thạc sĩ chuyên khoa; nghiên cứu, ứng dụng thành công hàng nghìn đề tài khoa học có giá trị, đóng góp quan trọng vào xây dựng, phát triển ngành Quân y, ngành Y tế nước nhà và sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân. Đặc biệt, những năm gần đây, Học viện đã tạo nên bước tiến vượt bậc trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và điều trị, trở thành trung tâm y học hàng đầu của Quân đội, cả nước và là một trong những trường trọng điểm Quốc gia. Ghi nhận những thành tích xuất sắc đó, Học viện đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, 03 lần được phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.

Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ
kháng chiến chống thực dân Pháp.

Những kết quả, thành tích mà Học viện đã đạt được trong 70 năm qua là tổng hợp của nhiều yếu tố; trong đó, việc xây dựng đội ngũ giảng viên vừa hồng, vừa chuyên, đa năng “3 trong 1” là yếu tố then chốt, quyết định. Đó là, mỗi giảng viên phải luôn có 03 phẩm chất cơ bản: vừa là người thầy giỏi, là bác sĩ điều trị giỏi, đồng thời là nhà nghiên cứu khoa học giỏi.

Người giảng viên là người sĩ quan quân y mẫu mực về đạo đức, tác phong, thầy giỏi chuyên môn

Thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Bác: “Các thầy giáo, cô giáo phải tìm cách dạy. Dạy cái gì, dạy thế nào để học trò hiểu chóng, nhớ lâu, tiến bộ nhanh”(2) và nhận thức rõ đặc thù của y học quân sự, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện chỉ đạo đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, làm cho mỗi cán bộ, giảng viên nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò, trách nhiệm trước sứ mệnh cao cả là: “Xây dựng Học viện trở thành một trong những trường đại học hàng đầu về đào tạo nguồn nhân lực y dược chất lượng cao cho Quân đội và cả nước; nghiên cứu y dược học quân sự, chuyển giao kỹ thuật y dược; là trung tâm điều trị chất lượng cao; phát triển hợp tác quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu y dược học, góp phần đắc lực cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, phát triển ngành Quân y, ngành Y tế và hệ thống giáo dục sức khỏe của Việt Nam”. Từ đó, để mọi người luôn tâm niệm trong suy nghĩ: “chúng ta đang dạy học”, “dạy người và dạy nghề” và gương mẫu trong hành động, không những ở trên giảng đường mà ở mọi lúc, mọi nơi, ngay cả khi thăm khám, điều trị cho bệnh nhân. Học viện đề ra tiêu chuẩn, yêu cầu rất cao đối với đội ngũ cán bộ, nhân viên, nhất là giảng viên y dược học quân sự. Theo đó, người giảng viên phải là người sĩ quan quân y thực sự mô phạm trên mọi lĩnh vực, có bản lĩnh chính trị vững vàng, sẵn sàng nhận, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; có kiến thức y học toàn diện, chuyên sâu, phương pháp giảng dạy, tư duy khoa học tốt, tâm huyết với nghề nghiệp và là người thầy thuốc quân y mẫu mực trước học viên và người bệnh. Thực hiện mục tiêu đó, Học viện tuyển chọn đầu vào giảng viên theo quy trình rất khắt khe, chặt chẽ. Phần lớn giảng viên được tuyển chọn từ bác sĩ nội trú, đào tạo chính quy; có đủ phẩm chất, năng lực chuyên môn, trình độ ngoại ngữ, tin học theo quy định; có thời gian làm việc tại các cơ sở thực hành của Học viện từ 02 năm trở lên, có thành tích trong công tác, khám chữa bệnh, có các bài báo, công trình khoa học được công bố. Để trở thành giảng viên, ứng viên phải vượt qua các kỳ thi, kiểm tra đánh giá về kỹ năng thực hành lâm sàng, ngoại ngữ, tin học và giảng thử trước Hội đồng giảng viên; hoàn thành tốt nhiệm vụ trợ giảng tối thiểu 02 năm mới được công nhận là giảng viên chính thức.

Hội thảo quốc tế về chất độc da cam/dioxin đối với con người và môi trường
do Học viện phối hợp với Văn phòng 701 tổ chức.

Cùng với đó, Học viện làm tốt công tác quy hoạch, bồi dưỡng, bố trí sử dụng đội ngũ giảng viên, đảm bảo cân đối về số lượng, cơ cấu, độ tuổi, chuyên ngành, có chất lượng cao. Đồng thời, thực hiện đa dạng hình thức, nội dung đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhất là đào tạo sau đại học, bồi dưỡng, chuyển giao kỹ thuật ở nước ngoài. Trong đó, chú trọng đào tạo chuyên sâu, xây dựng đội ngũ nhà giáo - thầy thuốc có học vị, học hàm, chuyên khoa giỏi, nâng cao y đức, tri thức y học, kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm, trình độ ngoại ngữ, công nghệ thông tin, kinh nghiệm thực tiễn. Để đạt hiệu quả cao, Học viện thực hiện đồng bộ các biện pháp, cả về tổ chức, tư tưởng, chính sách; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để giảng viên tự học, tự nghiên cứu; tăng cường cử giảng viên đi thực tế tại các đơn vị, bệnh viện, tham gia thăm khám, điều trị, hội chẩn và dự các cuộc diễn tập quân y; tích cực liên kết, hợp tác với các cơ sở đào tạo có uy tín trong và ngoài nước để trao đổi cán bộ, giảng viên có chất lượng cao tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học, v.v. Nhờ đó, chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên có sự phát triển đột phá, đáp ứng yêu cầu giáo dục, đào tạo của Học viện cả trước mắt và lâu dài.

Người giảng viên là bác sĩ điều trị giỏi

Do đặc thù đào tạo y học, Học viện thực hiện theo mô hình “Viện - Trường”, nên giảng viên đồng thời phải là bác sĩ điều trị. Điều này đòi hỏi người giảng viên phải có kiến thức y học rộng, trình độ chuyên môn, tay nghề giỏi, không để xảy ra sai sót trong quá trình điều trị, dù là nhỏ nhất. Để thực hiện tốt mục tiêu đó, Học viện tăng cường bồi dưỡng trình độ chuyên môn, tay nghề cho đội ngũ bác sĩ điều trị; gửi bác sĩ theo từng kíp đi học tập kỹ thuật tại các bệnh viện có uy tín ở trong nước và quốc tế, như: Xin-ga-po, Nhật Bản, Đức, Ô-xtrây-li-a, v.v. Đồng thời, tăng cường cử giảng viên tham gia tập huấn, bồi dưỡng, chuyển giao và trực tiếp tham gia thực hiện các kỹ thuật mũi nhọn về ghép tạng, can thiệp mạch, ung thư, ứng dụng tế bào gốc, tạo hình thẩm mỹ và tái tạo, v.v. Đi liền với nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề điều trị, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện luôn chú trọng xây dựng đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ thầy thuốc, thực hiện tốt lời Bác Hồ dạy đối với cán bộ và nhân viên quân y “…, người thầy thuốc giỏi đồng thời phải là người mẹ hiền, hết lòng hết sức cứu chữa và phục vụ thương binh, bệnh binh,…”(3).

Những năm qua, thực hiện phương châm thông qua điều trị để giảng dạy, Học viện đã tập trung xây dựng Bệnh viện Quân y 103, Bệnh viện Bỏng Quốc gia, Viện Mô phôi lâm sàng Quân đội trở thành cơ sở thực hành mẫu mực, vừa làm nhiệm vụ huấn luyện lâm sàng, vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ điều trị. Thông qua thực hành điều trị, giảng viên - thầy thuốc của Học viện đã phát triển được nhiều kỹ thuật mới, đúc rút nhiều kinh nghiệm phục vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, điều trị. Năm 2017, Bệnh viện Quân y 103 đã được vinh danh trong Chương trình “Vinh quang Việt Nam - Dấu ấn 30 năm đổi mới”. Đây là nguồn cổ vũ to lớn để đội ngũ thầy thuốc của Học viện tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp đào tạo, khám, chữa bệnh cho bộ đội và nhân dân.

Người giảng viên là nhà nghiên cứu khoa học giỏi

Một trong những mục tiêu quan trọng mà Học viện phấn đấu hướng tới là xây dựng Học viện thành trường trọng điểm quốc gia, cơ sở nghiên cứu khoa học mạnh, uy tín hàng đầu của Quân đội và ngành Y tế. Để hiện thực hóa mục tiêu đó, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện đã chủ động mở rộng hợp tác quốc tế, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và chủ trương lấy việc học thông qua nghiên cứu, lấy nghiên cứu khoa học để giải quyết các vấn đề trong giảng dạy, điều trị, nâng cao chất lượng đào tạo, xây dựng Học viện trở thành học viện nghiên cứu. Theo đó, Học viện yêu cầu 100% giảng viên phải tham gia nghiên cứu khoa học; lấy kết quả nghiên cứu khoa học là tiêu chí đánh giá, xem xét đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, giảng viên. Để công tác nghiên cứu khoa học đạt hiệu quả cao, Học viện có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí cho giảng viên có bài báo quốc tế, công trình khoa học; tạo điều kiện cho giảng viên thực hiện các đề tài nghiên cứu cấp cơ sở, làm tiền đề cho việc đề xuất và triển khai nghiên cứu đề tài cấp bộ, cấp quốc gia. Mặt khác, Học viện chú trọng đầu tư đồng bộ trang thiết bị, nhiều phòng thí nghiệm hiện đại (ngang tầm khu vực và thế giới), trung tâm nghiên cứu, giúp cho giảng viên có thể triển khai ý tưởng khoa học. Nhiều sản phẩm, kết quả nghiên cứu khoa học của Học viện đã quay trở lại phục vụ trực tiếp cho quá trình giảng dạy, điều trị mang lại hiệu quả thiết thực. Những năm qua, Học viện là cơ sở y tế nghiên cứu, ứng dụng thành công nhiều tinh hoa của y học cổ truyền, nhiều kỹ thuật tiên tiến, hiện đại của y học thế giới vào điều trị, như: ghép tạng, mổ nội soi, thụ tinh trong ống nghiệm, điều trị bỏng, v.v. Đội ngũ cán bộ, giảng viên của Học viện trước đây thường học tập, làm theo nước ngoài nhưng hiện nay đã có đủ trình độ để trao đổi trực tiếp, phối hợp với các chuyên gia quốc tế. Từ năm 1986 đến nay, Học viện đã hoàn thành gần 3.300 đề tài khoa học các cấp, trong đó có hàng trăm đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ và hàng nghìn sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Đặc biệt, Học viện đã 05 lần đi tiên phong và ghép tạng thành công trên người(4); có 02 công trình khoa học được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, 02 đề tài khoa học được tặng Giải thưởng sáng tạo kỹ thuật VIFOTEC; 03 đề tài khoa học được tặng giải thưởng của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO). Năm 2018, Học viện có 56 bài báo quốc tế được công bố, 01 công trình khoa học được cấp bằng độc quyền sáng chế của Hoa Kỳ. Hiện nay, Học viện đẩy mạnh nghiên cứu cơ bản, xây dựng Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu Y học quân sự; xây dựng, nâng cấp Trung tâm huấn luyện dã ngoại y học quân sự phục vụ nghiên cứu khoa học của đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên.

Với việc chú trọng xây dựng từng giảng viên và cả đội ngũ đa năng “3 trong 1”, công tác đào tạo, điều trị, nghiên cứu khoa học của Học viện đã thu được những thành tựu, tiến bộ vượt bậc. Đến nay, 100% cán bộ, giảng viên của Học viện có trình độ sau đại học, trong đó có 18 Giáo sư, 128 Phó Giáo sư; 91 tiến sĩ, 191 thạc sĩ; 28 bác sĩ chuyên khoa I, chuyên khoa II; 50 nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú; gần 200 thầy thuốc nhân dân, thầy thuốc ưu tú cùng hàng chục chuyên viên đầu ngành, chuyên viên kỹ thuật của ngành Quân y. Đây là nguồn nhân lực quan trọng để đưa Học viện Quân y tiếp tục phát triển, lớn mạnh trong những năm tới, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội, chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân.

___________

1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 15, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 507.

2 - Sđd, Tập 10, tr. 290 - 291.

3 - Sđd, Tập 15, tr. 361.

4 - Ghép thận (năm 1992), ghép gan (năm 2004), ghép tim (năm 2010), ghép đồng thời tụy - thận (năm 2014) và ghép phổi (năm 2017).

Trung tướng, GS, TS. ĐỖ QUYẾT, Giám đốc Học viện

Theo Tạp chí quốc phòng toàn dân

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website