Học Bác để dạy tốt, học tốt

 Học sinh Trường Tiểu học Phú Lạc đọc sách tìm hiểu, kể chuyện về Bác Hồ.

Thực hiện phong trào thi đua “Đổi mới sáng tạo trong dạy và học”, cô giáo Nguyễn Thị Dịu, giáo viên môn Lịch sử, trường THCS Tạ Xá luôn vận dụng đa dạng các phương thức truyền đạt, phát huy tính sáng tạo, đưa công nghệ thông tin, hình ảnh sống động minh họa cho các mốc lịch sử liên quan đến bài giảng để lôi cuốn, thu hút học sinh. Cô cho biết: “Tôi học ở Bác tinh thần vượt khó, sáng tạo để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Để có những giờ lên lớp hiệu quả, đằng sau mỗi trang giáo án, tôi luôn cần mẫn nghiên cứu tài liệu từ nhiều nguồn chính thống khác nhau...”. Không chỉ riêng cô Dịu mà tập thể cán bộ, giáo viên trường THCS Tạ Xá đều nỗ lực vươn lên, tự học và sáng tạo, hết lòng vì học sinh thân yêu. Từ một trường còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, chất lượng giảng dạy còn hạn chế, hầu như chưa có thành tích về giáo dục mũi nhọn... Bằng sự nỗ lực, trường đã đạt chuẩn Quốc gia vào tháng 11/2018; chất lượng giáo dục toàn diện từng bước được nâng lên, hằng năm đều có học sinh giỏi cấp huyện và tỉnh.

Nhiều năm nay, thầy giáo Vũ Đức Thọ- Hiệu trưởng trường Tiểu học Phú Lạc vẫn tham gia giảng dạy trực tiếp cho học sinh. Mở đầu bài giảng, thầy luôn dẫn dắt các câu chuyện đơn giản liên quan đến bài học để truyền đam mê học tập cho học sinh. Mỗi tiết học, ngoài giúp học sinh dễ nhớ, dễ hiểu, thầy còn nắm bắt tâm lý học sinh, từng lứa tuổi để có phương pháp chỉ đạo và giảng dạy hiệu quả hơn. Với vai trò người đứng đầu cấp ủy, Ban giám hiệu nhà trường, thầy Thọ luôn gần gũi, lắng nghe ý kiến đóng góp của đồng nghiệp; gương mẫu, trách nhiệm, tâm huyết với công việc được giao, trở thành tấm gương để các thầy, cô giáo học tập và làm theo. Từ những đóng góp tích cực của thầy, nhiều năm học qua, trường Tiểu học Phú Lạc luôn đứng tốp đầu của huyện về chất lượng giáo dục, 2 năm học gần đây, trường đạt tập thể lao động xuất sắc, được UBND tỉnh tặng Bằng khen.

Qua tìm hiểu, ở mỗi bậc học, huyện Cẩm Khê đều có những tấm gương nhà giáo mẫu mực, tập thể điển hình trong việc học tập và làm theo lời Bác. Ông Nguyễn Tân Sơn- trưởng Phòng GD&ĐT huyện cho biết: “Phòng GD&ĐT đã xác định rõ những nội dung cơ bản, trọng tâm cần triển khai thực hiện Chỉ thị 05, từ đó tập trung chỉ đạo các nhà trường thực hiện, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên. Theo đó, các nhà trường lồng ghép việc làm theo Bác với công tác giảng dạy, gắn với những hoạt động cụ thể, các phong trào thi đua, cuộc vận động do ngành và địa phương phát động. Chi bộ, Ban giám hiệu các nhà trường luôn nêu cao vai trò, trách nhiệm gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là vai trò của người đứng đầu; cụ thể hóa xây dựng, thực hiện chuẩn mực đạo đức nhà giáo”.

Sau 4 năm thực hiện Chỉ thị 05, ngành GD&ĐT huyện Cẩm Khê đã chỉ đạo các nhà trường xây dựng các mô hình học tập và làm theo Bác cụ thể, qua đó góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn huyện... Kết thúc năm học 2018-2019, toàn ngành có 89/92 tập thể xếp loại tốt, chiếm tỷ lệ 96,7%; đối với cá nhân tỷ lệ xếp loại tốt, khá chiếm 97,8%; xếp loại đối với người đứng đầu cơ quan đơn vị: Tốt là 76 người; khá 13 người. Về chất lượng giáo dục toàn diện ngày càng có tiến bộ. Cùng với chất lượng đại trà, chất lượng giáo dục mũi nhọn ở các nhà trường tiếp tục được quan tâm, đạt hiệu quả. Bằng những hành động, việc làm cụ thể và tình yêu, niềm say mê với nghề, những thầy, cô giáo của huyện Cẩm Khê đã và đang tô thắm vườn hoa người tốt, việc tốt trong sự nghiệp “trồng người”.

Cao Hương

Theo http://baophutho.vn

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website