Hiện thực hóa tư tưởng “Học đi đôi với hành”

 

Mô hình trồng rau vụ đông của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Nậm Chạc (Bát Xát)
Mô hình trồng rau vụ đông của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Nậm Chạc (Bát Xát)

Chúng tôi đến thăm Trường Tiểu học Tả Phìn, bởi trước đó đã được nghe nhiều lời ca ngợi về ngôi trường nhỏ là điểm sáng trong thực hiện mô hình trường học gắn với du lịch của huyện Sa Pa từ năm học 2013 - 2014. Tại đây, nhiều học sinh dân tộc Dao được thầy cô giáo dạy những kiến thức, kỹ năng cơ bản trở thành hướng dẫn viên du lịch, có thể giao tiếp với du khách nước ngoài bằng tiếng Anh khá thành thạo, khiến du khách thích thú.

Em Lý Mắn Mẩy, học sinh lớp 5 tươi cười cho biết: Từ khi tham gia câu lạc bộ hướng dẫn viên du lịch của trường, em tích cực học nói tiếng Anh, hiện em có thể tự tin giới thiệu với du khách về nhà trường và các sản phẩm chúng em tự làm ra. Em luôn cố gắng học tập tốt, lao động tốt như lời Bác Hồ dạy, để xứng đáng là con ngoan, trò giỏi.

Cô giáo Nguyễn Thị Kim Thêu, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Nhà trường xây dựng mô hình “Trường học du lịch” gắn với với việc học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tạo ra nhiều chuyển biến trong công tác dạy và học. Các nhóm học sinh cùng sở thích như vẽ sáp ong, thêu thổ cẩm, văn nghệ dân gian, trò chơi dân tộc, chế biến lá thuốc dân gian… hằng tuần đều có những buổi sinh hoạt ngoại khóa để tìm hiểu và sáng tạo sản phẩm, viết bài giới thiệu với du khách về vẻ đẹp địa phương, bản sắc dân tộc mình. Trong công tác giảng dạy, các thầy cô giáo cũng luôn tìm tòi, đổi mới, sáng tạo, tài liệu hóa các nội dung liên quan đến mô hình trường học gắn với du lịch để dạy cho học sinh. Năm học vừa qua, trường có 38 giáo viên thì có 13 giáo viên dạy giỏi cấp huyện, 2 giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh.

Rời Tả Phìn, chúng tôi đến thăm Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học và THCS Nậm Chạc (Bát Xát). Năm học 2016 - 2017, trên diện tích đất khoảng 4.000 m2, thầy và trò nhà trường đã thành công trong xây dựng mô hình trồng rau vụ đông, với nhiều loại rau xanh, như bắp cải, su hào, su su, khoai sọ... Đặc biệt, trên 190 học sinh THCS đã được nhà trường tổ chức dạy kỹ thuật làm miến từ cây đao riềng.

Thầy giáo Nguyễn Đức Vinh, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, việc thầy và trò nhà trường đẩy mạnh xây dựng trường học gắn với thực tiễn mô hình trồng trọt chính là hiện thực hóa lời dạy của Bác Hồ, học kiến thức lý thuyết phải đi đôi với thực hành. Từ đó, vừa giáo dục tình yêu lao động, vừa định hướng nghề nghiệp sát với thực tế của địa phương cho học sinh, để sau khi học hết THCS, các em có lựa chọn hướng đi phù hợp với bản thân trong tương lai. Điều này cũng giúp các em rèn luyện nền nếp sinh hoạt bán trú và kỹ năng sống.

Học sinh dân tộc thiểu số Sa Pa tự tin giới thiệu với du khách nước ngoài về bản sắc dân tộc
Học sinh dân tộc thiểu số Sa Pa tự tin giới thiệu với du khách nước ngoài về bản sắc dân tộc

Câu chuyện ở Trường Tiểu học Tả Phìn và ở Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Nậm Chạc chỉ là 2 ví dụ cho rất nhiều nỗ lực của thầy và trò các trường học vùng cao trên địa bàn tỉnh học tập và làm theo lời dạy của Bác. Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo, mô hình trường học gắn với thực tiễn được triển khai 3 năm qua trên địa bàn tỉnh đã hiện thực hóa tư tưởng của Bác Hồ “Học đi đôi với hành”; đồng thời, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, tạo sự chuyển biến vững chắc về chất lượng dạy học theo tinh thần đổi mới.

Trong 3 năm, các trường THCS đã thực hiện hơn 13.140 bài dạy gắn với thực hành, tổ chức 8.723 buổi trải nghiệm sáng tạo cho 153.365 lượt học sinh học tập. Ngoài ra, các trường còn trồng trên 36.800 m2 vườn hoa, trên 35.000 cây ăn quả, cây bóng mát, thu hoạch trên 163.000 kg rau xanh, chăn nuôi trên 78.700 con gia cầm, gia súc. Cùng các sản phẩm vật chất, mô hình còn thu được những sản phẩm có giá trị và ý nghĩa lớn về tinh thần như: sưu tầm, biên soạn hàng nghìn trang tài liệu dạy học về văn hóa các dân tộc thiểu số, sưu tầm hàng chục loại nhạc cụ dân tộc, hàng trăm bộ trang phục của 25 nhóm ngành dân tộc trên địa bàn tỉnh. Tổ chức cho học sinh học tập, tìm hiểu, nghiên cứu nhiều làn điệu dân ca, điệu múa, lễ hội tiêu biểu của các dân tộc thiểu số; tổ chức hàng trăm buổi giao lưu văn hóa với cộng đồng ...

Ông Nguyễn Anh Ninh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Năm học 2017 - 2018, thực hiện chủ đề “Vì học sinh thân yêu; xây dựng trường học kỷ cương - văn hóa; chất lượng giáo dục thực chất”, toàn tỉnh đã có hơn 6.000 buổi sinh hoạt chuyên đề “Giáo dục Lào Cai làm theo lời Bác” tại các lớp học; 641 buổi sinh hoạt cấp trường; 62 buổi sinh hoạt chuyên đề cấp cụm trường và 9 hội thảo cấp huyện, thành phố được tổ chức. Từ nhiều cách nhìn, cách tiếp cận, khai thác khác nhau, các nội dung trình bày, chia sẻ tại hội thảo đều có giá trị thiết thực trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tại các đơn vị, nhà trường. Trong thời gian tới, ngành giáo dục và đào tạo Lào Cai tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đến toàn bộ đội ngũ giáo viên và học sinh, đặc biệt là trong đổi mới phương pháp dạy và học theo tư tưởng “học đi đôi với hành”./.

Tuấn Ngọc

Theo baolaocai.vn


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website