Gặp người kể chuyện Bác Hồ

Câu chuyện xúc động ở Suối Thầu

Tôi còn nhớ rất rõ đó là một buổi sáng đầu xuân năm 2018, tôi đã gặp ông ở Suối Thầu, xã vùng cao xa xôi và khó khăn nhất Sa Pa, nơi chủ yếu là đồng bào Mông, Dao sinh sống. Dưới sân Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Suối Thầu, hàng trăm học sinh từ mầm non đến THCS cùng các thầy cô giáo chăm chú hướng lên sân khấu với tấm biển đỏ in dòng chữ vàng nổi bật “Hội thảo Giáo dục Lào Cai làm theo lời Bác”. Còn trên bục giảng, một thầy giáo trung tuổi say sưa kể những câu chuyện về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ trong hành trình gian nan tìm đường cứu nước.

 

Ông Trần An Ninh kể chuyện Bác Hồ trong Hội thảo Giáo dục Lào Cai làm theo lời Bác tại xã Suối Thầu.

Những mẩu chuyện về tình cảm của Bác Hồ với thiếu nhi khiến học sinh lắng nghe thích thú. Những câu chuyện về tháng ngày vất vả ở chiến khu Việt Bắc của Bác Hồ khiến cả sân trường im lặng, có những ánh mắt rưng rưng lệ. Nhiều người đã xúc động không cầm được nước mắt khi nghe kể về những giây phút cuối đời của Bác Hồ. Khi ấy, giọng của người thầy trên sân khấu cũng nghẹn lại, lặng đi, chính ông cũng không thể kìm nén những giọt nước mắt của mình. Cuối buổi hội thảo, khi ông chia tay ra về, các em học sinh cứ vây quanh, ôm chầm lấy ông năn nỉ: “Thầy ơi, thầy ở lại trường với chúng em để kể chuyện Bác Hồ”.

Gần 15 năm qua, nhân dân và học sinh các xã vùng cao Sa Pa có lẽ nhiều người biết đến ông và trân trọng gọi ông một cách gần gũi là “Thầy Ninh”. Năm nay đã bước vào tuổi 61, nhưng ông Trần An Ninh, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo, nguyên Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Sa Pa vẫn đầy nhiệt huyết và không chút ngần ngại khi được các xã, cơ quan, trường học mời đến kể chuyện về Bác Hồ. Chính sự cởi mở và gần gũi, cách kể chuyện đơn giản mà hấp dẫn của ông đã tạo được ấn tượng khó phai trong lòng mọi người.

Người thuộc gần 200 mẩu chuyện về Bác Hồ

Trò chuyện với chúng tôi, ông Ninh chia sẻ: Năm 1980, tôi tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc, sau đó có 16 năm công tác ở Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sa Pa, 8 năm làm việc ở Văn phòng HĐND, UBND huyện Sa Pa. Năm 2003, tôi chuyển công tác sang Ban Tuyên giáo Huyện ủy Sa Pa rồi gắn bó với công tác tuyên giáo, quản lý và giảng dạy ở Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện Sa Pa đến khi nghỉ hưu.

Từ thời còn ngồi trên ghế nhà trường, những câu chuyện mà thầy cô kể về hành trình đi tìm đường cứu nước của Bác Hồ đã khiến cậu học trò Trần An Ninh không thể nào quên. Sau này, khi tham gia công tác, có điều kiện tiếp cận với nhiều tài liệu về chủ nghĩa Mác - Lênin, thân thế, sự nghiệp và tư tưởng Hồ Chí Minh, ông Ninh càng say mê đọc.

Là cán bộ tuyên giáo, ông Trần An Ninh được tham gia những hội thảo, những cuộc thi kể chuyện về tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh, tham gia nói chuyện với cán bộ, đảng viên trong huyện về tấm gương của Bác. Những câu chuyện về Bác, ông vẫn giữ cho riêng mình như một tài sản quý báu, trở thành tư liệu trong những bài giảng bồi dưỡng chính trị cho cán bộ, đảng viên, hay trong những buổi hội thảo “Giáo dục Lào Cai làm theo lời Bác”. Đến nay, tuy tuổi đã cao, nhưng ông Ninh vẫn nhớ và kể lại được khoảng 200 mẩu chuyện về cuộc đời và sự nghiệp của Bác.

“Trong những bài giảng, tùy theo từng đối tượng mà tôi kể những mẩu chuyện khác nhau về Bác. Với cán bộ, đảng viên là câu chuyện về bản Di chúc của Bác Hồ, về phong cách giản dị, gần gũi, tận tụy với nhân dân, tác phong làm việc khoa học của Bác. Đối với người lao động là câu chuyện Bác Hồ chúc tết chị gánh nước thuê đêm giao thừa; chuyện bác nhịn ăn, tiết kiệm gạo ủng hộ kháng chiến. Đối với các cháu học sinh là chuyện Bác giữ lời hứa tặng chiếc vòng bạc cho một bạn nhỏ người dân tộc thiểu số; chuyện Bác tắm cho thiếu nhi Việt Bắc; chuyện vì sao đôi dép cao su của Bác chỉ có 3 chiếc quai… Tùy từng câu chuyện mà cách kể linh hoạt, ngôn ngữ và cử chỉ phù hợp để người nghe dễ nhớ, dễ hiểu, dễ đồng cảm”, ông Ninh chia sẻ. Nghe ông Ninh kể chuyện, chúng tôi cũng không bất ngờ khi biết ông từng đoạt giải Nhất Hội thi giảng viên lý luận chính trị giỏi tỉnh Lào Cai năm 2004.

 “Tôi học Bác từ việc làm nhỏ nhất”

Tiếp xúc với ông Ninh, chúng tôi cảm nhận ngay được tác phong làm việc nghiêm túc, chỉn chu, nhưng trong giao tiếp luôn gần gũi, cởi mở, thân tình. Ngay cả trong lối sống, ông cũng rất giản dị, tiết kiệm. Ông Ninh hay dùng đồ cũ: Giầy cũ, điện thoại cũ, đồng hồ cũ, máy tính cũ... Ông bảo, Bác dạy mỗi cán bộ, đảng viên phải “cần, kiệm, liêm, chính”, trong mỗi việc làm dù là nhỏ nhất, tôi không bao giờ quên lời dạy ấy, đồ cũ vẫn dùng được thì không nên lãng phí.  “Khi còn làm Chánh Văn phòng UBND huyện Sa Pa, nhiều lần thấy anh em in tài liệu cho các hội nghị dày cả tệp mà chỉ in trên một mặt giấy A4 lãng phí quá, nên tôi đề xuất in tài liệu trên hai mặt giấy cho tiết kiệm văn phòng phẩm. Trong gia đình tôi, vợ tôi là giáo viên mầm non, hai con gái và hai con rể cũng là giáo viên, đều học Bác ở tác phong làm việc khoa học, tiết kiệm từng phút, từng giờ”.

 

Nay đã về hưu, nhưng ông Ninh vẫn miệt mài với công việc mình yêu thích.

Là người có năng lực, nhiệt tình với công việc, ông Trần An Ninh đã từng có nhiều cơ hội chuyển công tác ra các cơ quan của tỉnh, nhưng ông vẫn xin ở lại Sa Pa. Năm 1992, khi Trường Cao đẳng Sư phạm Lào Cai vừa thành lập được 1 năm, ông được Hiệu trưởng nhà trường mời ra công tác, nhưng ông xin ở lại. Những năm sau đó, ông được mời ra công tác ở Trường Chính trị tỉnh, thậm chí được mời về làm quản lý Phòng Tư tưởng Hồ Chí Minh của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, đó đều là những công việc quan trọng, có vị thế cao hơn nhiều so với công việc của một thầy giáo giảng dạy chính trị ở Sa Pa, nhưng ông đều xin ở lại cống hiến cho xứ sở sương mù.

“Với mỗi cán bộ, đảng viên, dù làm việc ở đâu, công việc gì, chỉ cần luôn gương mẫu, nỗ lực hết sức và vì lợi ích của nhân dân thì đều đáng trân trọng. Phần thưởng lớn nhất với tôi không phải là chức vụ, địa vị, mà là sự tin tưởng, yêu mến của nhân dân”, ông Ninh tâm sự.

Suy nghĩ như thế, nên nay tuổi đã cao, ông Trần An Ninh vẫn gắn bó với Sa Pa, ông tranh thủ thời gian làm cố vấn truyền thông và công tác đảng vụ cho Bệnh viện Đa khoa huyện Sa Pa. Thời gian rảnh rỗi, ông nhận lời mời của Phòng Văn hóa - Thông tin huyện tham gia các buổi nói chuyện với du khách quốc tế về bản sắc văn hóa các dân tộc Sa Pa, hoặc không quản khó khăn đến các xã vùng cao kể chuyện cho các cháu học sinh nghe những câu chuyện xúc động về Bác Hồ. Ông bảo: Tôi chỉ mong trời cho sức khỏe để tiếp tục làm những công việc mà mình tâm huyết.

 Tuấn Ngọc - Tô Dung

Theo baolaocai.vn

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website