Yên Bái thực hiện lời Bác dạy 60 năm về trước

 

Lễ đài sân vận động thành phố Yên Bái - nơi Bác Hồ về thăm và nói chuyện với đảng viên,            cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái ngày 25/9/1958
Lễ đài sân vận động thành phố Yên Bái - nơi Bác Hồ về thăm và nói chuyện với đảng viên,  cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái ngày 25/9/1958

1. Chuyến thăm và lời dạy của Bác Hồ đối với Yên Bái 60 năm về trước - Một kỷ niệm thiêng liêng, một tài sản tinh thần vô giá của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Yên Bái

60 năm về trước, ngày 25/9/1958, Bác Hồ đã có chuyến thăm và làm việc tại Yên Bái. Bác nói chuyện với cán bộ đảng viên và nhân dân trong tỉnh tại cuộc mít tinh do Tỉnh ủy tổ chức. Vào thời điểm đó, nước ta vừa ra khỏi cuộc kháng chiến chín năm chống thực dân Pháp xâm lược, chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lấy năm châu, chấn động địa cầu", Hiệp định Giơnevơ được ký kết, đem lại hòa bình cho miền Bắc, nhưng đất nước vẫn còn bị chia cắt làm hai miền, miền Nam đi trước về sau, vẫn đứng nơi đầu sóng ngọn gió.

Chính trong những năm tháng ấy, khi chúng ta đang ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống cho nhân dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc ở miền núi, Bác Hồ cùng Trung ương ngày đêm lo toan những việc lớn lao, phức tạp thì Bác đã đến thăm Đảng bộ và nhân dân Yên Bái.

Đó là sự quan tâm ân cần của Bác, là tình cảm và tình thương sâu sắc Bác dành cho chúng ta. Sự kiện Bác về thăm và nói chuyện trực tiếp với đại biểu Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể và đồng bào các dân tộc tỉnh nhà 60 năm về trước đã trở thành một sự kiện lịch sử không thể nào quên trong lịch sử Đảng bộ Yên Bái. Chuyến thăm và làm việc của Bác với Tỉnh ủy tuy ngắn, bài nói chuyện giản dị, ân tình của Bác lại càng ngắn, nhưng những lời Bác dạy đã và mãi mãi là kỷ niệm thiêng liêng, là tài sản tinh thần vô giá mà Bác để lại cho Đảng bộ và nhân dân Yên Bái, cho tất cả mọi người chúng ta, cho các thế hệ trước đây, hôm nay và mai sau.

Với mỗi cán bộ, đảng viên, với mỗi người dân Yên Bái, đây thực sự là một niềm tự hào, là hạnh phúc lớn và trong tình hình hiện nay, thực sự là một động lực tinh thần mạnh mẽ để quyết tâm xây dựng đảng bộ trong sạch, vững mạnh, quyết tâm thực hiện tốt nhất những lời Bác dạy để Yên Bái tiếp tục đổi mới toàn diện, phát triển nhanh và bền vững, làm cho Yên Bái giàu mạnh, văn minh và hiện đại, làm tất cả những gì có thể làm được để đồng bào và các dân tộc Yên Bái có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc như Bác hằng mong muốn.

Chúng ta còn nhớ, ngay buổi chiều ngày 24/9/1958, một chuyến tàu hỏa đặc biệt chở Bác từ Lào Cai về Yên Bái. Đón Bác về trụ sở Tỉnh ủy, Bác đề nghị làm việc ngay và Bác hỏi đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cùng các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của tỉnh hồi đó bao nhiêu điều cụ thể, tỷ mỷ, thiết thực. Bác khen ngợi Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc trong tỉnh đã đạt được nhiều thành tích sau bốn năm khôi phục và phát triển kinh tế.

Bác nhắc nhở Đảng bộ và chính quyền, chăm lo đời sống của đồng bào từ việc to đến việc nhỏ, làm sao đời sống được cải thiện, ai cũng có cơm ăn, áo mặc, các cháu được học hành. Bác còn hỏi việc cung cấp thuốc chữa bệnh, muối, dầu hỏa, kim chỉ thêu đối với đồng bào đến đâu? Bao nhiêu cháu còn chưa biết chữ, bệnh sốt rét, bướu cổ đã giảm chưa? Bác nhắc bác sĩ Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch cùng đi với Bác phải cử đội y tế lên giúp đỡ đồng bào. Bác còn hỏi các hủ tục trong ma chay, cưới xin, tảo hôn, đánh vợ có còn không, đã sửa đổi được những gì?

Chỉ bấy nhiều chi tiết thôi đã cho ta thấm thía về sự thấu hiểu đời sống nhân dân của Bác, toát lên phong cách lãnh đạo sâu sát, cụ thể, lo toan trách nhiệm của Bác mà mỗi chúng ta, nhất là các đồng chí có trọng trách phải học và làm theo Bác suốt đời. Những điều Bác quan tâm, những câu Bác hỏi, cho đến nay vẫn còn ý nghĩa sâu xa, còn nguyên tính thời sự, không chỉ với Yên Bái mà với tất cả các địa phương, vùng miền trong cả nước. Bác còn căn dặn, sản xuất, phải kiên trì, thuyết phục và vận động còn lâu dài, gian khổ. Cuối buổi làm việc với lãnh đạo Tỉnh ủy hôm đó, và nhất là khi nói chuyện với đồng bào trong buổi sáng ngày 25/9/1958, Bác mong muốn Yên Bái phải thi đua để trở thành một tỉnh khá nhất của các tỉnh miền núi.

Bác còn hỏi: "Liệu các cô, các chú có hứa với Bác thực hiện được không?". Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh hứa quyết tâm thực hiện lời Bác dạy.

Đây là điều quan trọng mà vào lúc này, khi chúng ta kỷ niệm 60 năm Ngày Bác về thăm Yên Bái, khi Đảng bộ và nhân dân Yên Bái đang ra sức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị Khóa XII ngày 15/5/2016, chúng ta cần phải nỗ lực phấn đấu thực hiện, theo đúng phương châm, phong cách Hồ Chí Minh: Lời nói đi đôi với việc làm, biến nhận thức thành hành động, làm cho khả năng trở thành hiện thực.

Trở lại bài nói của Bác Hồ với cán bộ, đảng viên và đồng bào các dân tộc tỉnh Yên Bái 60 năm về trước mà chúng ta ý thức sâu sắc rằng, đó là tài sản tinh thần vô giá Bác để lại cho Yên Bái của chúng ta. Nội dung bài nói của Bác ngắn gọn, rõ ràng, cụ thể, thiết thực. Bác chỉ dẫn từng việc một. Bác phân tích, giải thích thật mộc mạc, giản dị để ai ai cũng hiểu rõ. Bác khen thành tích mà chúng ta đạt được cũng rất có chừng mực để chúng ta không chủ quan, tự mãn. Bác phê bình những hạn chế, thiếu sót của cán bộ, đảng viên và nhân dân cũng thấu lý đạt tình, chân thành và tin tưởng, cảm thông và bao dung. Bác khích lệ, động viên để chúng ta hăng hái phấn đấu vươn lên. Bác xác định rõ ràng những việc phải làm, vì yêu cầu bức xúc trước mắt mà cũng hướng tới tương lai, triển vọng lâu dài trong phát triển của tỉnh Yên Bái, của công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội mà Yên Bái phải góp phần xứng đáng cùng cả nước. Bài nói của Bác đã được ghi lại thành văn và toát lên từ văn bản này là tư tưởng lớn, tầm nhìn xa trông rộng, đạo đức trong sáng, cao cả cùng với phong cách khoa học - dân chủ - nhân văn sâu sắc của Người.

Bác biết rõ, tỉnh nhà có 10 dân tộc anh em cùng chung sống. Nhờ đoàn kết mà tạo thành sức mạnh, trong chiến đấu cũng như trong sản xuất. Đoàn kết là một tư tưởng lớn, ở tầm đường lối chiến lược mà Người suốt đời quan tâm, nỗ lực thực hành và Người nêu gương suốt đời tự thực hành, làm gương mẫu trong Đảng, trong dân. Người là biểu tượng, là linh hồn đại đoàn kết toàn dân tộc. Người căn dặn đồng bào các dân tộc trong tỉnh, đoàn kết, giúp đỡ nhau như anh em. Dân tộc đông người không phải giúp qua loa cũng như dân tộc ít người không nên ngồi chờ giúp. Một bên ra sức giúp, một bên ra sức làm. Giúp nhau thì việc gì cũng nhất định làm được... Đã gọi là đoàn kết thì phải giúp đỡ nhau như anh em trong nhà. Người đã từng nhấn mạnh "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, thành công, thành công, đại thành công".

Trong bài nói chuyện với đồng bào tỉnh Yên Bái, Người còn nhấn mạnh: "Chúng ta phải làm thế nào cho sướng hơn". Muốn sướng hơn phải ăn no mặc ấm. Muốn ăn no mặc ấm phải làm thế nào? Phải tăng gia sản xuất. Đồng bào phải làm ăn định canh, nên tăng vụ, cố gắng làm cả chiêm lẫn mùa, lại phải làm phân bón. Phân càng nhiều thì thóc càng nhiều. Muốn nhiều thóc phải bỏ nhiều phân.

Những lời nói của Người cho thấy Người đặc biệt quan tâm tới kinh tế mà Yên Bái lúc bấy giờ là kinh tế nông nghiệp. Người cũng thẳng thắn nhưng rất mực chân thành khi nhắc nhở có một số đồng bào còn giấu diện tích, làm một mẫu rưỡi nói một mẫu, vì chưa hiểu, sợ nói thật Chính phủ đánh thuế. Người giải thích, Chính phủ là Chính phủ của dân, lấy thuế để làm lợi ích cho dân như mở trường học, làm nhà thương (bệnh viện), chứ không phải bỏ túi Bác Hồ, bỏ túi Chính phủ. Người khuyên chúng ta, nhân dân làm chủ, không nên sợ tăng vụ, sợ đóng thuế, giấu diện tích, phải nói thật thì hơn. Muốn tăng gia sản xuất tốt phải có tổ chức, phải có tổ đổi công, phải làm cho đồng bào tự nguyện tự giác.

Nói tóm lại, trong buổi làm việc của Người với lãnh đạo Tỉnh ủy Yên Bái cũng như ở địa phương khác, công tác xây dựng Đảng, nêu cao đoàn kết và trách nhiệm của Đảng, của cán bộ, đảng viên trước nhân dân luôn được Người nhấn mạnh, coi đó là nhân tố quan trọng nhất, quyết định nhất thắng lợi của sự nghiệp cách mạng.

Trong bài nói chuyện của Người với đồng bào Yên Bái 60 năm về trước, Người còn nhấn mạnh tới vấn đề tiết kiệm, tăng gia sản xuất phải đi liền với tiết kiệm, phải khắc phục khuyết điểm lãng phí trong đời sống, từ đám cưới, đám ma. Người góp ý phê bình việc đó mà Người cũng động viên, khen ngợi đồng bào tỉnh nhà trong kháng chiến mỗi năm tiết kiệm được 750 tấn gạo, lấy gạo nuôi quân, phục vụ kháng chiến, góp phần quan trọng cho chiến thắng Điện Biên. Những ngày đầu hòa bình lập lại, phải hàn gắn vết thương chiến tranh. Yên Bái còn nghèo, Trung ương phải đưa lên 300 tấn gạo để nuôi dân, cứu đói. Nếu Yên Bái nêu cao tinh thần tiết kiệm thì không phải đưa gạo từ dưới xuôi lên, Người nói với đồng bào, việc đó không khó mà cũng không dễ. Muốn làm được phải có tổ chức. Ý tưởng này của Người thật là sâu sắc, rằng, Đảng phải lãnh đạo và dân phải quyết tâm.

Có thể nói, Hồ Chí Minh đã dành tình cảm và tình thương yêu cho đồng bào các dân tộc Yên Bái, cho đảng bộ, chính quyền và các đoàn thể của Yên Bái với tất cả sự chân thành, tin tưởng, hy vọng. Những lời dạy của Bác với Yên Bái, nổi bật ba điểm nhấn quan trọng: Thực hành đoàn kết, tích cực tăng gia sản xuất, ra sức tiết kiệm để Yên Bái từng bước khắc phục khó khăn, sửa chữa khuyết điểm, đưa Yên Bái phát triển thành tỉnh khá nhất trong các tỉnh miền núi. Đó là Người giao nhiệm vụ, giao trách nhiệm cho đảng bộ và nhân dân Yên Bái chúng ta, đặt niềm tin cậy và kỳ vọng vào triển vọng tốt đẹp của Yên Bái. Những điều giản dị đó bao hàm cả chính trị - kinh tế - đạo đức - văn hóa và lối sống, kết hợp phương châm xây đi liền với chống, thực sự là một minh chứng sinh động và cảm động về sự thống nhất hữu cơ giữa tư tưởng, đạo đức với phong cách của Người mà Đảng bộ và nhân dân Yên Bái hiện nay đang ra sức học tập và làm theo.

Sự quan tâm và tình cảm của Bác dành cho Yên Bái còn được thể hiện qua những bức thư gửi các cháu nhi đồng Yên Bái, thư gửi cụ linh mục Thuyết và đồng bào lương giáo xã Hưng Thái, huyện Trấn Yên, mong Hưng Thái thành một xã kiểu mẫu, thư gửi công đoàn giao thông vận tải Sông Thao (Yên Bái). Bác có thư khen quân và dân Yên Bái đã bắn rơi chiếc máy bay thứ 800 và 801 của giặc Mỹ trên miền Bắc. Bác vẫn không quên nhắc nhở quân dân Yên Bái luôn luôn nâng cao cảnh giác, đoàn kết chặt chẽ, thi đua sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ, giành nhiều thắng lợi hơn nữa.

Tỉnh Yên Bái cũng hai lần được nhận Cờ thưởng của Bác về thành tích giao thông vận tải, phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ (1954) và phát triển giao thông nông thôn, Yên Bái giành lá cờ đầu vào năm 1965 được giữ vĩnh viễn Cờ thưởng luân lưu của Bác. Bác còn tặng Bằng khen cho Tổ lái tàu 402, không những lái tàu an toàn mà còn tiết kiệm được 55 tấn than. Năm 1985, tổ lái tàu 402 đã được Chính phủ tuyên dương tập thể anh hùng. Xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn, có 7 dân tộc anh em chung sống, ở 25 thôn bản, trong đó có 9 bản vùng cao đã từng nổi tiếng anh hùng trong kháng chiến chống Pháp và trong chiến tranh chống Mỹ, dân quân tự vệ xã đã bắn rơi tại chỗ một máy bay F.105 của Mỹ. Ngày 31/5/1966, Cát Thịnh vinh dự đón nhận Huân chương Chiến công hạng Nhất và nhận Cờ thưởng luân lưu của Bác Hồ.

Rất nhiều cán bộ, đảng viên và nhân dân các thế hệ Yên Bái khi Bác còn sống và khi Bác đã về cõi vĩnh hằng còn lưu giữ mãi những kỷ niệm ân tình sâu nặng với Bác kính yêu. Thành tích sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi, đoàn kết dân tộc của Yên Bái là rất đỗi tự hào.

2. Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Yên Bái quyết tâm giữ vững lời hứa với Bác, ra sức làm theo lời Bác dạy trong công cuộc đổi mới hiện nay - những vấn đề đặt ra

Sau 60 năm kể từ ngày Bác về thăm Yên Bái, trong đó có hơn 30 năm Yên Bái cùng cả nước đi vào đổi mới, từ 1986 đến nay, thành tựu Yên Bái rất to lớn, sức lao động sáng tạo của nhân dân, sức mạnh đoàn kết các dân tộc đã làm cho Yên Bái từng bước thay da đổi thịt. Nhiều danh hiệu cao quý, Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động trong đổi mới đã được Đảng và Nhà nước tôn vinh, trao tặng cho Yên Bái, từ tỉnh đến huyện và xã, từ tập thể và các cá nhân điển hình ưu tú nhất.

Đảng bộ và và nhân dân Yên Bái nặng lòng thương yêu và biết ơn vô hạn công lao trời biển của Bác Hồ. Đất và người Yên Bái giàu tiềm năng sáng tạo, triển vọng phát triển, cơ hội phát triển đã và đang mở ra. Song Yên Bái cũng tự ý thức rõ những hạn chế và yếu kém vẫn còn tồn tại. Khắc sâu lời Bác dạy, Đảng bộ và nhân dân Yên Bái trong thời gian tới và hướng tầm nhìn tới năm 2030 khi Đảng ta tròn 100 năm lịch sử, tới năm 2045 khi chế độ cộng hòa dân chủ do Bác đặt nền móng tròn 100 năm, vào lúc đó, nước ta đã trở thành nước công nghiệp hiện đại, Đảng bộ và nhân dân Yên Bái vững bước đi lên theo con đường mà Bác Hồ và Đảng ta đã vạch ra.

Yên Bái sẽ cùng với cả nước, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

Với Yên Bái, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự quản lý của Ủy ban nhân dân tỉnh, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nhất định mọi tiềm năng sáng tạo phải được "đánh thức dậy", tìm kiếm những giải pháp đột phá, để phát triển nhanh và bền vững.

Với tâm nguyện "hãy xứng đáng với Bác hơn nữa", với tình cảm "yêu Bác lòng ta trong sáng hơn", nhất định Đảng bộ Yên Bái phải là một Đảng bộ trong sạch vững mạnh, đoàn kết các dân tộc được củng cố và phát huy, dân chủ và dân vận phải được thực hành bền bỉ, thực chất. Ý Đảng - Lòng Dân - Phép Nước phải thành một khối thống nhất. Chúng ta sẽ làm hết sức mình, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng chỉnh đốn Đảng, chăm lo phát triển giáo dục, y tế, văn hóa, đem lại đời sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của nước ta không thể thiếu sự đóng góp và cống hiến to lớn của Yên Bái, của đất và người Yên Bái./.

    GS, TS. Hoàng Chí Bảo  

Chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương

Theo http://www.bqllang.gov.vn/


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website