Tỏa sáng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”

“Thương binh tàn mà không phế”

 

CCB Ngô Văn Phước (ở phường Lái Hiếu, TP Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang)
vừa cải tạo vườn để trồng cây ăn trái lâu năm.

Vừa đi làm vườn về đến nhà, tay chân còn lấm lem bùn đất, gặp chúng tôi, ông Ngô Văn Phước (54 tuổi, ở khu vực 6, phường Lái Hiếu, TP Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang) hồ hởi bắt chuyện. Bên ly trà nóng, nghe ông trải lòng, chúng tôi càng cảm nhận sâu sắc về ý chí, nghị lực vượt khó của người lính “Bộ đội Cụ Hồ” giữa đời thường.

Ông Phước làm bảo vệ cho một trường mầm non. Vì vậy, tranh thủ khoảng 3 giờ sáng, ông đi chợ mua rau, thịt để vợ làm thức ăn bán điểm tâm sáng. Thời điểm học sinh nghỉ hè, ông dành thời gian chăm sóc mấy công đất vườn. “Lương thương binh và làm bảo vệ của tôi được hơn 7 triệu đồng mỗi tháng. Nhiêu đó là sống khỏe vì hai con lớn đã lập gia đình, sống bên chồng; con gái út đang học lớp 10. Để có được hạnh phúc như hôm nay, tôi đã trải qua nhiều gian nan, vất vả, kể cả đấu tranh tư tưởng, vượt qua mặc cảm của bản thân. Trước đây, thời gian dài, tôi từng có những suy nghĩ bi quan, tiêu cực, cho rằng đời mình đã tàn rồi. Nhưng từ sự động viên của người thân, chính quyền địa phương, và nhất là sự lao động cần cù, tôi đã biến “sỏi đá thành cơm”. Ngẫm lại, tôi thấy mình thật hạnh phúc và may mắn”  - ông Phước chia sẻ.

Năm 1987, ông Phước trở về nhà sau 3 năm chiến đấu giúp bạn ở chiến trường Campuchia, với chân phải cụt mất bàn chân, do trúng mìn của quân Pôn Pốt. Khi ấy 21 tuổi, ông Phước thấy con đường phía trước thật mờ mịt: gia đình không có đất đai, ông thì một chân bị thương tật, không nghề nghiệp… Những ngày đầu, ông Phước mặc cảm, nằm suốt trong nhà. Được sự động viên của gia đình, với nghị lực của người lính, nhất là nhớ lời Bác dạy “thương binh tàn mà không phế”, ông Phước bắt đầu tập những bước đi khập khễnh. “Lúc đó, đường quê còn gập ghềnh, tôi đi té lên, té xuống. Lắm lúc chân tôi đau buốt, mồ hôi thấm đẫm lưng áo. Ban đêm tôi cũng tập đi để quen dần với cái chân giả” - ông Phước kể. Ông Phước cũng bắt đầu phụ đập thép cho người anh rể làm nghề rèn.

Lập gia đình, có con, cuộc sống thêm phần khó khăn, ông đi mua bán quần áo cũ khắp các chợ. Những ngày không ra chợ mua bán, ông Phước xúc bùn, đào hộc mía, làm cỏ, chặt cây… Ban đêm, ông Phước đi đóng đáy thuê. Với người khỏe mạnh, công việc đã nặng nhọc, vất vả; với thương binh như ông Phước, khó khăn nhân lên bội phần nhưng ông không nề hà khó nhọc. Những lúc bạn làm chung nghỉ trưa, ông Phước cặm cụi làm việc một mình hoặc hết giờ ông vẫn cố nán lại làm thêm. Ông Phước kể: “Sức khỏe của tôi yếu hơn mọi người nên phải làm nhiều hơn để chủ nhà thương, lần sau người ta còn thuê làm nữa. Nhờ vậy, bà con trong xóm có việc, luôn ưu tiên cho tôi, nên nhà luôn đủ gạo nuôi vợ con”.

Năm 1995, ông Phước mua được 5.600m2 đất. Hai năm sau đó, vì sự nghiệp trồng người, ông tình nguyện hiến 1.000m2 đất để xây dựng trường học. Đến năm 2008, ông Phước tiếp tục hiến 60m2 đất để làm Nhà Văn hóa khu vực 6. Trên mảnh đất của gia đình, ông Phước trồng mía, nuôi heo, nuôi cá… và thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm. Cuộc sống ổn định, CCB Ngô Văn Phước tham gia công tác ở Hội CCB địa phương, làm Chi hội trưởng Nông dân khu vực 6. Ông Phước bộc bạch: “Tôi nghĩ không thể lấy cớ là thương binh để trông chờ Nhà nước giúp đỡ. Tôi vừa cải tạo mấy công đất vườn để trồng cây lâu năm có giá trị kinh tế cao, như vú sữa, sầu riêng, mít. Tôi vẫn đi làm bảo vệ vì tôi còn sức lao động...”.

Hằng năm, các cấp Hội CCB tỉnh Hậu Giang xây dựng 16-20 mô hình “Dân vận khéo” gắn với xây dựng nông thôn mới để thực hiện Chỉ thị số 05. Đồng thời duy trì, củng cố các mô hình: “Tiết kiệm giúp đỡ con em CCB” ở Hội CCB TP Vị Thanh; “CCB tham gia xây dựng giao thông nông thôn” ở Hội CCB thị xã Long Mỹ; “Đâu khó là có CCB” ở Hội CCB huyện Vị Thủy… Đặc biệt, năm 2019, Hội CCB tỉnh tổ chức biên soạn 12 câu chuyện về tấm gương đạo đức của Bác để triển khai ở 553 Chi hội CCB. Hằng tháng, Chi hội chọn 1 CCB kể chuyện và chọn việc làm theo của bản thân và gia đình trong tháng đó. 

“Cửa hàng 0 đồng” của CCB Lê Hoàng Nguyễn

 “Cửa hàng 0 đồng” của CCB Lê Hoàng Nguyễn (ở xã Hòa An, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp)
mở cửa suốt đêm để phục vụ người dân.

 Hôm chúng tôi đến, trời đã tối mịt, nhưng một cửa hàng ở cuối chợ Hòa An (ấp Hòa Khánh, xã Hòa An, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) vẫn sáng đèn. Đây là một cửa hàng rất đặc biệt: “Cửa hàng 0 đồng” mở cửa cả ngày lẫn đêm. Cửa hàng rộng gần 60m2, gồm các kệ, sào quần áo, giày dép, sách giáo khoa… tặng cho bất cứ ai có nhu cầu. Chủ cửa hàng này là CCB Lê Hoàng Nguyễn (42 tuổi), Chi hội trưởng CCB ấp Hòa Khánh. “Nhiều người thuê chỗ này để làm nơi buôn bán với giá 5 triệu đồng mỗi tháng, nhưng tôi từ chối vì muốn giúp đỡ bà con có hoàn cảnh khó khăn. Hơn 1 năm qua, tôi đặt trước cửa hàng một thùng xốp để vận động rau, củ, gạo, đường… từ các tiểu thương và người đi chợ để tặng các bệnh viện. Ngày nào, bà con cũng góp 50-100kg rau củ” - anh Hoàng Nguyễn cho biết.

Năm 2001, anh Hoàng Nguyễn hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, lập gia đình và sống bằng nghề phụ hồ. Cật lực lao động, nhưng cuộc sống gia đình anh luôn thiếu trước, hụt sau. Nung nấu quyết tâm thoát nghèo, năm 2005, anh Hoàng Nguyễn đi học nghề chế tạo dụng cụ làm vườn bằng kim loại. Hai năm sau, anh Nguyễn mở cơ sở chuyên gia công cưa, sứa, dao, kéo… Kinh tế gia đình vừa ổn định, năm 2016, vợ anh sinh thêm một con trai và không may cháu bị bệnh tim bẩm sinh. Vợ chồng anh Hoàng Nguyễn đưa con lên TP Hồ Chí Minh điều trị trong 7 tháng thì cạn tiền. Ngay lúc đó, bác sĩ chỉ định mổ tim cho bé.

Anh Hoàng Nguyễn kể: “Lúc đó, tôi không biết xoay đâu ra mấy chục triệu đồng. Túng quá, tôi nhắn tin cho một cô hay làm từ thiện mà tôi biết qua mạng xã hội, nhờ cô giúp đỡ và gia đình tôi đã được hỗ trợ hơn 70 triệu đồng. Khi con trai khỏe mạnh, tôi và vợ nguyện sẽ cố gắng giúp đỡ nhiều người khó khăn mà mình biết”.

Với tâm niệm đó, hằng năm, anh Hoàng Nguyễn vận động 500 phần quà cho người nghèo (trị giá 350.000 đồng/phần); 50 suất học bổng cho học sinh vượt khó học giỏi trị giá từ 200.000-500.000 đồng/phần; giới thiệu 1-2 em bị bệnh tim bẩm sinh được mổ tim miễn phí… Năm 2017, anh Hoàng Nguyễn mở “Cửa hàng 0 đồng”. Mô hình đã được anh Nguyễn và bạn bè lập thêm ở nhiều huyện của tỉnh Đồng Tháp, như: Thanh Bình, Cao Lãnh, Tân Hồng… với tổng số quần áo tặng cho người nghèo đến nay hơn 30 tấn. Từ năm 2017 đến nay, anh Hoàng Nguyễn còn tổ chức vận động bạn bè hỗ trợ cất mới 28 căn nhà cho người nghèo, người bị hỏa hoạn, trị giá từ 15-30 triệu đồng/căn.

Không chỉ làm nhiều việc nghĩa, CCB Lê Hoàng Nguyễn còn làm kinh tế giỏi. Các sản phẩm cưa, sứa của cơ sở anh sản xuất đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành: Long An, Tiền Giang, Cần Thơ, Cà Mau… Anh còn giải quyết việc làm cho 6 lao động, với thu nhập từ 6,5-7 triệu đồng/tháng. CCB Lê Hoàng Nguyễn cho biết: “Lúc mới khởi nghiệp, tôi năn nỉ các chủ tiệm tạp hóa cho ký gởi, bán được hàng mới có tiền. Bây giờ thì nhiều người biết đến nên tôi chú trọng để sản phẩm bền, bén, đẹp, cạnh tranh tốt trên thị trường. Dù việc làm ăn bận rộn thế nào, tôi vẫn luôn cố gắng giúp đỡ thêm nhiều người có hoàn cảnh khó khăn như một sự chia sẻ, trả nghĩa với cuộc đời”.

Hằng năm, cán bộ, hội viên CCB tỉnh Đồng Tháp vận động xây dựng trên 100 cây cầu bê tông, trị giá 300-400 triệu đồng/cây cầu; hiến gần 5.000m2 đất với tổng trị giá 2 tỉ đồng; vận động hơn 5 tỉ đồng để cất nhà cho CCB gặp khó khăn về nhà ở, giúp vốn cho CCB nghèo phát triển kinh tế. Trong 4 năm qua, CCB tỉnh Đồng Tháp còn xây dựng nhiều mô hình góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính của Hội, như: mô hình “Thắp sáng đường quê” của Hội CCB huyện Tháp Mười; mô hình “CCB thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy” của Hội CCB huyện Thanh Bình... 


Bài, ảnh: PHẠM TRUNG

Theo https://baocantho.com.vn

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website