Quảng Trị: Những tấm gương làm theo lời Bác

“Bóng cả” của thôn

Nhiều năm nay, ở xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, người dân vẫn truyền nhau câu chuyện về một cụ ông được chọn đặt tên cho nhiều địa danh trong thôn. Ông là Phạm Văn Tiếp, Chi hội trưởng Hội Người cao tuổi thôn An Định.

 

 Ở tuổi 82, ông Phạm Văn Tiếp vẫn minh mẫn, tinh anh - Ảnh: Q.H

Đúng như lời kể, gặp ông Tiếp không dễ. Ở tuổi 82, ông vẫn ngày ngày đi khắp thôn xóm để làm việc tử tế. Hôm chúng tôi đến thăm, ông Tiếp vừa trở về sau một buổi “đi từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền, vận động người dân phòng, chống COVID-19. Nở nụ cười hồn hậu, ông nói: “Tôi được giao nhiệm vụ quản lý 30 hộ dân trong thôn, giúp bà con nâng cao nhận thức phòng, chống dịch bệnh. Thực ra, phần lớn bà con đều có ý thức nhưng một số người đôi khi lại quên đeo khẩu trang nên ngày nào tôi cũng đi vài vòng để nhắc nhở, giúp mọi người hình thành thói quen tốt”, ông Tiếp chia sẻ.

Khi nghe nhắc đến chuyện bà con lấy tên ông để đặt tên cho đường, ông Phạm Văn Tiếp kể mọi chuyện bắt đầu từ lúc ông Tiếp thấy hai con đường dẫn ra đồng đều nhỏ bé, lầy lội. Sau khi tính toán, ông vận động người dân đến chơi nhà, rồi bàn chuyện làm đường. Nghe ông nói đúng, có cả dự trù kinh phí, bà con đều thuận lòng góp công, góp của. Sau 3 ngày làm việc cật lực, hai con đường dẫn ra đồng đã hoàn thành trong niềm vui khôn xiết của ông Tiếp và người dân địa phương. Từ đó, bà con lấy tên “Phạm Văn Tiếp” để đặt cho đường. Sau này, khi ông vận động bà con làm cống, làm mương, các địa danh mới ở thôn An Định lại ra đời như: “mương ông Tiếp”, “cống ông Tiếp”…

Không chỉ góp “việc lớn” cho thôn, ông Tiếp còn có những hành động, giản dị mà rất ý nghĩa. Nhiều năm nay, hiếm ngày nào những con đường trong thôn vắng bóng ông. Hễ thấy ổ gà xuất hiện, ông lại miệt mài đi “vá”. Ông cũng không ngại ngần ngồi xuống, nhặt từng bao ni lông, hộp xốp, chai nhựa… bỏ đúng nơi quy định. Buổi đầu, nhiều người cho rằng, ông Tiếp không còn minh mẫn nhưng sau khi nghe ông chuyện trò, bà con đều thán phục. Không ai bảo ai, nhiều người tự nguyện noi gương ông Tiếp. “Chuyện ông Tiếp hành nghề y cứu người bệnh nhiều năm nay, giúp một gia đình thoát chết trong mưa lũ, rồi vận động làm đường, mương, cống… không phải ai cũng làm được nhưng vá đường, nhặt rác… thì không khó. Vì thế, tôi và bà con trong thôn nguyện góp sức, cùng ông giữ thôn xóm sạch đẹp”, một người dân địa phương chia sẻ.

Nói về động lực để làm nhiều điều tử tế, ông Phạm Văn Tiếp chia sẻ đó là nhờ tấm gương của Bác Hồ. Biết mình khó làm được những việc to lớn, vĩ đại như Bác, ông Tiếp khởi đầu bằng những việc nhỏ, có ích cho quê hương, làng xóm mình. Nhìn ông Tiếp minh mẫn, tinh anh ở tuổi 82, ít ai biết Chi hội trưởng Hội Người cao tuổi thôn An Định từng bước ra từ chiến tranh với một cánh tay gần như bại liệt, một bên tai bị điếc và một mắt mù… cùng nhiều vết thương trên thân thể. Ông đã phải nỗ lực từng ngày để trở thành bóng cả của làng như ngày hôm nay.

Người trưởng thôn tâm huyết

Người dân thôn Trúc Kinh, xã Thanh An, huyện Cam Lộ tin rằng ai cũng có thể làm được những điều ý nghĩa, giúp đổi thay cuộc sống của mình và mọi người xung quanh. Sự chuyển biến tích cực trong suy nghĩ ấy khởi nguồn từ câu chuyện của vị trưởng thôn mà bà con rất quý mến, đó là ông Bùi Thanh Nghĩa.

Ông Bùi Thanh Nghĩa (bên trái) rất vui khi được góp sức xây dựng quê hương giàu đẹp - Ảnh: Q.H

Quẩn quanh sau lũy tre làng, quen với luống cày hơn dòng chữ, ông Nghĩa luôn nghĩ “thành tựu” lớn nhất đời mình chính là nuôi 4 người con ăn học thành tài. Ông Nghĩa và vợ đều chỉ học xong lớp 9. Cuộc sống khó khăn khiến hai người phải rời xa trang sách để chăm chút vào việc đồng áng. Thấm cảnh “một hạt lúa vàng, chín hạt mồ hôi”, vợ chồng ông Nghĩa quyết tâm không để con thất học. Sau những ngày vất vả, niềm vui lớn nhất của ông bà là cả bốn người con đều bước chân vào giảng đường đại học.

Trong tháng ngày nuôi con ăn học, giữa muôn vàn khó khăn, ông Nghĩa vẫn dấy lên mong muốn làm điều gì đó ý nghĩa cho thôn, xóm. Vì thế, khi được bà con tín nhiệm bầu vào chức trưởng thôn, ông Nghĩa quyết định nhận nhiệm vụ. Sau hôm ấy, tâm trí ông mải miết với những kế hoạch, dự định xây dựng quê hương. Điều đầu tiên mà ông Nghĩa quyết phải làm được là di dời mồ mả, cải tạo ruộng đồng.

Trước kia, ông Nghĩa nghe rất nhiều lời phàn nàn về chuyện đồng ruộng trong thôn manh mún, thường xuyên bị chuột phá hoại vì mồ mả nằm rải rác. Vậy nhưng khi nghe qua kế hoạch của ông Nghĩa, không ít người vẫn bàn lui bởi ngại đụng chạm tới chuyện tâm linh. Thực tế ấy không làm trưởng thôn Trúc Kinh nản chí. Ông sẵn sàng đi từng nhà, vận động từng người để làm việc lớn. Thấy ông Nghĩa phân tích có tình, có lý, bà con trên địa bàn mới đồng thuận. Không lâu sau đó, gần 250 ngôi mộ nằm rải rác ở các cánh đồng đã được người dân đưa vào nơi chôn cất tập trung để thuận tiện lo liệu hương khói. Ai cũng vui khi ruộng đồng vuông cân, chuột ít hẳn.

Từ ngày làm trưởng thôn, tóc ông Bùi Thanh Nghĩa bạc đi nhiều. Một số người khuyên ông Nghĩa bớt lo “chuyện bao đồng” đi để đỡ vất vả. Vậy nhưng, người trưởng thôn này vẫn không cho phép mình lơ là nhiệm vụ. Ngoài di dời mồ mả, cải tạo ruộng đồng, ông Nghĩa còn là người đưa ra ý tưởng, huy động sức dân làm đường nội đồng; thắp sáng đường quê; xây dựng làng văn hóa, dòng họ khuyến học… Hễ có vụ việc gì xảy ra trên địa bàn, ông đều nhanh chóng có mặt. Trưởng thôn Trúc Kinh không ngại đứng ra giải quyết nhiều mâu thuẫn dù là rất nhỏ.

Suốt 9 năm miệt mài cống hiến, trưởng thôn Trúc Kinh Bùi Thanh Nghĩa được tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen. Nhưng điều khiến ông hạnh phúc nhất là thấy thôn xóm ngày càng yên vui, trù phú.

Một trái tim thiện nguyện

Cách đây 2 năm, gia đình anh Mai Quang Duy (sinh năm 1989), trú tại Khu phố 5, Phường 5, thành phố Đông Hà mới thoát diện hộ nghèo. Ấy vậy mà từ nhiều năm trước cho đến tận hôm nay, anh Duy vẫn dồn toàn tâm, toàn sức cho các hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ nhiều mảnh đời khó khăn. Đó là điều khiến nhiều người thêm trân quý chàng trai nghèo của cải nhưng giàu tấm lòng thiện nguyện.

Anh Mai Quang Duy mang nhiều niềm vui đến với trẻ em vùng cao - Ảnh: Q.H

Năm lớp 8, anh Mai Quang Duy phải nghỉ học do hoàn cảnh gia đình khó khăn. Từ đó đến nay, anh Duy đã đi học và làm nhiều nghề như sửa chữa ô tô, công nhân, phụ hồ, thợ điện dân dụng... Ra đời sớm nên anh Duy đã nếm trải đủ cảm giác vất vả vì bươn chải mưu sinh cũng như những thất bại trong cuộc sống. Một trong những nguyên nhân khiến anh Duy buộc phải “nhảy nghề” chính là hiếm chủ lao động nào chấp nhận một nhân viên dăm bữa, nửa tháng lại xin nghỉ để đi làm việc thiện.

Cơ duyên đã đưa anh Mai Quang Duy đến với hoạt động thiện nguyện vào năm 22 tuổi, sau 2 năm vào Thành phố Hồ Chí Minh mưu sinh, trở về quê với khá nhiều nỗi niềm. Hay tin một diễn đàn tập hợp các bạn trẻ yêu hoạt động thiện nguyện tổ chức chương trình giúp đỡ người dân xã A Dơi, huyện Hướng Hóa, anh Duy liền đăng ký tham gia với mong muốn khỏa lấp phần nào khoảng trống trong lòng. Trở về sau chuyến đi, anh nhận ra, cuộc sống còn ưu ái nhiều thứ đối với mình. Ở các bản làng vùng sâu, vùng xa, dân bản còn khó khăn hơn anh bội phần. “Cần làm gì đó để phát huy sức trẻ giúp đỡ bà con”, đó là “mệnh lệnh” luôn thôi thúc từ trái tim anh Duy.

Sau hôm ấy, anh Mai Quang Duy miệt mài tham gia rồi đứng ra tổ chức các hoạt động thiện nguyện. Hành trình làm việc tốt của anh đều đặn, bền bỉ hơn từ ngày trở thành Phó Chủ nhiệm CLB Kỹ năng thanh niên và Công tác xã hội thành phố Đông Hà. Để tổ chức các chuyến thiện nguyện, anh Duy và thành viên trong câu lạc bộ phải tìm mọi cách để gây quỹ như: Thu gom ve chai; bán hàng; đêm nhạc từ thiện; vận động tổ chức, cá nhân có tấm lòng hảo tâm… Anh cũng sẵn sàng đóng góp khoản lương ít ỏi cho chương trình. “Ban đầu, mình và các bạn chỉ tổ chức những hoạt động nhỏ, thiên về giáo dục kỹ năng nhiều hơn. Sau này, được sự giúp đỡ từ các mạnh thường quân, hoạt động của anh em mới lớn dần lên, hiệu quả hơn. Đó là niềm vui lớn nhất đối với mình”, anh Duy chia sẻ.

Đến giờ, anh Mai Quang Duy không thể nhớ hết những hoạt động, chương trình thiện nguyện mình từng tổ chức, tham gia. Tuy nhiên, trái tim anh luôn in đậm hình ảnh những nụ cười và cả giọt nước mắt trên gương mặt người dân từng được mình cùng các bạn giúp đỡ. Đó là động lực thôi thúc anh bước qua những khó khăn, thử thách để tiếp tục với công việc này. Chia sẻ về suy nghĩa của mình, anh Duy nói : “Tại sao ta lại chờ đến lúc giàu có, dư dả mới làm thiện nguyện? Tại sao ta không mở lòng giúp đỡ người khó khăn hơn mình? Đôi khi chỉ cần góp chút sức, gửi gắm đôi lời động viên, trao tặng một gói mì tôm, chiếc áo cũ… là cũng đủ để thắp lên tia hy vọng cho những mảnh đời khó khăn”.

Quang Hiệp

Theo http://baoquangtri.vn

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website