Phong trào thi đua yêu nước lan tỏa sâu rộng trong các cấp Hội Nông dân

* Giai đoạn 2015 - 2020, các cấp Hội Nông dân tỉnh Phú Yên đã triển khai hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước trên mọi lĩnh vực công tác hội và phong trào nông dân, thu hút sự hưởng ứng, tham gia tích cực của cán bộ, hội viên, nông dân; qua đó, tạo động lực để hội viên, nông dân toàn tỉnh tích cực tham gia sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo.

Để phong trào thi đua yêu nước thực sự đi vào cuộc sống, các cấp hội nông dân đã có nhiều đổi mới trong nội dung, phương thức, cách thức vận động thông qua việc chủ động xây dựng kế hoạch, phát động và ký giao ước thực hiện các phong trào thi đua hằng năm. Trọng tâm là các phong trào: Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới; Nông dân tham gia đảm bảo quốc phòng - an ninh…

 

 Nông dân được hướng dẫn kỹ thuật ươm gieo cây giống tại
Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao Phú Yên

(Ảnh:baophuyen.com.vn).

Đặc biệt, qua phong trào Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, nhiều nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm nông nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, ngành nghề nông thôn. Từ đó xuất hiện ngày càng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, nhiều nông dân đạt danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, có mức thu nhập cao; hình thành trên 500 mô hình nhóm hộ, kinh tế tập thể, tổ liên kết hợp tác làm ăn có hiệu quả; khuyến khích, động viên nông dân phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, giúp các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo.

Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, nông dân toàn tỉnh đã đóng góp hơn 340 tỉ đồng, 540.813 công lao động, tham gia xây dựng 125 mô hình Thắp sáng đường quê và lắp được hơn 9.500 bóng điện compact tiết kiệm điện với chiều dài chiếu sáng gần 350km… Nhờ đó, diện mạo nông thôn thay đổi rõ nét, đời sống vật chất, tinh thần người nông dân được nâng cao. Đến nay, toàn tỉnh có 58 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 3 xã được công nhận xã nông thôn mới nâng cao.

Trong 5 năm (2015 - 2020), các cấp hội nông dân Phú Yên đạt thành tích đáng ghi nhận. Có 50 lượt tập thể lao động tiên tiến, 27 lượt tập thể lao động xuất sắc, 305 lượt cá nhân lao động tiên tiến, 61 lượt chiến sĩ thi đua các cấp. Chủ tịch nước tặng 1 Huân chương Lao động hạng Ba, Thủ tướng Chính phủ tặng 5 Bằng khen, UBND tỉnh tặng 5 cờ và 104 bằng khen; Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng 112 bằng khen, 339 Kỷ niệm chương Vì giai cấp nông dân Việt Nam, công nhận 5 nông dân tiêu biểu đạt danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc…

* Các cấp hội nông dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa luôn xác định thi đua yêu nước là động lực phát triển, là giải pháp quan trọng để tập hợp các tầng lớp nông dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới, qua đó góp phần quan trọng làm thay đổi bộ mặt nông thôn và nâng cao đời sống nông dân.

Xác định phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế và từng bước nâng cao đời sống cho nhân dân vùng nông thôn, các cấp hội nông dân đã đặc biệt quan tâm triển khai thực hiện. Trong đó, các cấp hội luôn chú trọng các hoạt động tư vấn, hỗ trợ nông dân; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa những cây, con giống có năng suất, hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất.

 

 Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thọ Thanh (Thường Xuân,Thanh Hóa)

ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp.

(Ảnh: thoibaokinhdoanh.vn).

Với phương châm “vận động đi đôi với hỗ trợ”, các cấp hội tăng cường phối hợp với các ngành chức năng tổ chức mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật. Bên cạnh đó, các cấp hội còn tạo điều kiện và đứng ra tín chấp cho hội viên vay vốn phát triển kinh tế. Trong 9 tháng năm 2020, các cấp hội trong tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp tổ chức dạy nghề cho 3.904 hội viên nông dân; tư vấn giới thiệu việc làm và xuất khẩu lao động cho 2.062 hội viên nông dân có việc làm sau khi được đào tạo nghề. Phối hợp với các công ty xuất khẩu lao động trong nước tư vấn cho 1.491 lao động nông thôn trong tỉnh về các lĩnh vực chính sách, chế độ, luật pháp, nhu cầu thị trường về lao động và đào tạo nghề. Tín chấp và ủy thác với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt cho gần 187.000 hộ nông dân vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh với mức dư nợ 11.245 tỷ đồng. Từ đó, nhiều ngành nghề, mô hình mới được du nhập và phát triển; nhiều trang trại, gia trại quy mô theo hướng sản xuất hàng hóa được hình thành, phát triển, vừa cải thiện, nâng cao cuộc sống cho gia đình, vừa tạo thêm việc làm cho một bộ phận lao động địa phương. Toàn tỉnh hiện có hơn 240 ngàn hộ gia đình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.

Với vai trò nòng cốt trong phong trào xây dựng nông thôn mới, thời gian qua các cấp hội nông dân trong tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền tới các hội viên xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, tham gia tích cực phong trào xây dựng đời sống văn hóa, làng văn hóa và phong trào nông dân tham gia bảo vệ quốc phòng - an ninh. Trong 9 tháng năm 2020, các cấp HND đã vận động hội viên nông dân đóng góp được 145 tỷ 744 triệu đồng, 130.472 ngày công; hiến 106.519m2 đất; tu sửa và làm mới 4.717km đường giao thông nông thôn, kênh mương và 639 công trình các loại. Ngoài ra, các cấp hội còn vận động hội viên tích cực thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, tham gia giữ gìn trật tự an toàn xã hội, tích cực tham gia bảo vệ môi trường.

Việc đẩy mạnh và thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước trong các cấp hội nông dân trong tỉnh đã góp phần thực hiện hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn của tỉnh, qua đó, củng cố lòng tin của nông dân với Đảng, Nhà nước, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng tổ chức hội ngày càng thêm vững mạnh.

* Để các phong trào thi đua yêu nước ngày càng lan tỏa, đặc biệt là các phong trào lớn như: “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, “Lạng Sơn cùng cả nước xây dựng nông thôn mới”… đi vào chiều sâu, trong giai đoạn 2015 – 2020, Hội Nông dân tỉnh Lạng Sơn đã ban hành 115 văn bản về công tác thi đua - khen thưởng. Hằng năm, hội chỉ đạo các cấp hội phát động, tổ chức ký kết giao ước thi đua, đăng ký danh hiệu thi đua trong tổ chức hội và tổ chức khen thưởng, biểu dương các tập thể, cá nhân thực hiện tốt các phong trào thi đua. Qua đó, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên nông dân tham gia và góp phần giúp các phong trào thi đua đạt được nhiều kết quả tích cực.

Trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, các cấp hội đã đẩy mạnh việc chuyển giao khoa học kỹ thuật tiên tiến vào trồng trọt, chăn nuôi. Từ năm 2015 đến nay, các cấp hội nông dân Lạng Sơn tổ chức được gần 6.100 lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật cho gần 300.000 lượt hội viên, nông dân tham gia. Ngoài ra, để hỗ trợ nông dân sản xuất, kinh doanh, các cấp hội nông dân còn nhận ủy thác nguồn vốn cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội và cho vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân. Theo đó, các cấp hội đã tín chấp vay vốn ngân hàng cho gần 18.000 lượt hộ hội viên vay với số tiền gần 760 tỷ đồng và triển khai 184 dự án, 1.742 hộ vay với kinh phí gần 40 tỷ đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân. Nhờ đó, đến nay, toàn tỉnh có hơn 41.000 lượt hội viên, nông dân đạt danh hiệu “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” các cấp.

 

 Chăm sóc cây ăn quả tại khu vườn mẫu xã Đồng Tân, huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn.

(Ảnh:baolangson.vn).

Trong phong trào “Lạng Sơn cùng cả nước xây dựng nông thôn mới”, Hội Nông dân tỉnh Lạng Sơn đã xây dựng kế hoạch triển khai và chỉ đạo các cấp hội cơ sở tích cực thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Cụ thể, các cấp hội nông dân đã tăng cường tuyên truyền, vận động hội viên tham gia hiến đất, làm đường, làm thủy lợi… Từ năm 2015 đến nay, các cấp hội đã vận động hội viên, nông dân hiến được gần 420.000 m2 đất, đóng góp tiền mặt được gần 30 tỷ đồng, tham gia gần 940.000 ngày công xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn như: nhà văn hóa thôn, trường học, đường giao thông nông thôn, thủy lợi… Hằng năm, mỗi cơ sở hội xây dựng 1 mô hình “Thôn, bản xanh – sạch – đẹp, thân thiện với môi trường”. Đến nay, toàn tỉnh có gần 800 mô hình bảo vệ môi trường; qua đó, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới./.

Ngân Hạnh (tổng hợp từ các địa phương)

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website