Người 40 năm vẽ chân dung Bác Hồ

Vẽ Bác với lòng kính yêu vô hạn

Xuân Phúc sinh ra trong một gia đình có truyền thống về hội họa, với 5 người theo nghề này. Đó là bố, mấy anh trai và Xuân Phúc. Họa sĩ Trần Xuân Vị, người nổi tiếng xứ Thanh, đã truyền niềm đam mê hội họa cho các con mình. Niềm đam mê vẽ chân dung Bác Hồ của Xuân Phúc được truyền cảm hứng từ bố.

“Năm đó, Bác Hồ về thăm Thanh Hóa. Lúc ấy, bố tôi đang công tác tại Ty Văn hóa tỉnh Thanh Hóa. Ông may mắn được gặp Bác Hồ. Với lòng kính yêu Bác vô hạn, một người suốt đời hy sinh vì nước, vì dân, bố tôi bắt đầu vẽ tranh về Bác. Ông truyền lại tinh thần ấy cho các con của mình” - Xuân Phúc nhớ lại những ngày xa xưa.

Mốc đáng nhớ nhất đánh dấu sự thành công của Xuân Phúc trong vẽ chân dung Bác Hồ bắt đầu từ năm 1997. Năm đó, gia đình anh chuyển ra Hà Nội và mua một căn hộ nhỏ trên tầng 5 tại một ngõ nhỏ trong phố. Xuân Phúc tiếp tục vẽ Bác và gửi bán tranh tại phòng tranh ở 93 Đinh Tiên Hoàng. Anh vẽ các bức tranh như: “Bác Hồ chào”; “Bác Hồ đọc báo”; “Bác Hồ với bộ đội”; “Bác Hồ với công an”… Không ngờ, những bức tranh vẽ Bác Hồ được khách yêu thích và đặt hàng rất nhiều. Anh đã huy động gia đình tham gia rồi thuê thêm thợ phụ, thuê xưởng để vẽ. “Tiếng lành đồn xa. Lúc ấy, có đến 6 cửa hàng tại Hà Nội đặt tôi chuyên vẽ tranh về Bác. Tranh vẽ ra chưa kịp khô thì khách đã đến lấy đi. Đặc biệt, các đơn vị bộ đội đặt mua rất nhiều. Gia đình tôi hồi đó sống sung túc nhờ tiền bán tranh” - Xuân Phúc nhớ lại một thời thịnh vượng nhờ vẽ tranh về Bác. Anh nói, sở dĩ nhiều khách hàng, cơ quan, đơn vị thích mua tranh vì anh vẽ Bác rất sống động. Đặc biệt là đôi mắt rất có hồn, sáng, thông minh, ấm áp và hiền từ.

 40 nam ve chan dung

Họa sĩ Xuân Phúc trong phòng tranh của mình

- Khi vẽ Bác, anh thường nghĩ gì? - Tôi hỏi.

- Với tôi, Bác là lãnh tụ vĩ đại, kính yêu, song lại gần gũi như cha, như ông. Mỗi lần vẽ, tôi tâm niệm như đang nói chuyện với Bác. Vì vậy mà ánh mắt của Bác, thần thái của Bác luôn sống động như người thật. Để làm được điều đó, tôi đã tìm hiểu rất nhiều về Bác qua sách, báo, tư liệu, nhân chứng lịch sử, qua các họa sĩ lớp trước… và qua thơ Bác.

Đến nay, họa sĩ Xuân Phúc đã vẽ hàng nghìn bức tranh về Bác Hồ. Tranh của anh được lưu giữ tại Nga, Pháp, Thái Lan… và khắp nơi trong nước. Tranh được treo tại phòng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, phòng họp… và làm quà tặng ngoại giao các nước. Hiện nay, tại tầng 3 Phủ Chủ tịch, bức tranh “Bác Hồ chào” kích cỡ 1m1 x 1m6 được đặt tại nơi trang trọng nhất.

- Trong những bức tranh vẽ về Bác, có bức nào anh tâm đắc nhất không?

- Bức tranh tâm đắc nhất của tôi có tên “Bác là mặt trời”, sáng tác năm 2010. Tôi ấp ủ ý tưởng từ những vần thơ tôi viết về Bác trước đó 3 năm. Sau đó vẽ hàng tháng và hoàn thành vào dịp sinh nhật Bác. Một doanh nhân rất thích bức tranh này đã thương lượng với tôi để được quyền sở hữu.

Nhận xét về họa sĩ Xuân Phúc, họa sĩ Lương Xuân Đoàn cho rằng, không phải họa sĩ nào cũng có rung động, tự tin để vẽ chân dung lãnh tụ. Nhưng Xuân Phúc đã thành công ở đề tài này.

Cuộc đời gắn với cọ vẽ

Mỗi một con người sinh ra trong cuộc đời đều có sứ mệnh khác nhau. Định mệnh của Xuân Phúc được sinh ra như là để gắn bó với cọ vẽ và hội họa. Cho nên, dù công tác ở bất kỳ nơi nào, anh đều được giao nhiệm vụ… vẽ.

Năm 1981, đang học lớp 10 (hệ 10 năm), Xuân Phúc nhập ngũ vào một đơn vị của Quân khu 4. Tuy nhiên, rất nhanh sau đó, binh nhất Trần Xuân Phúc được chỉ huy đơn vị phát hiện và điều động về ban tuyên huấn sư đoàn đảm nhiệm việc vẽ tranh. “Về sư đoàn, tôi vẽ rất nhiều tranh về Bác Hồ, Lênin, tranh cổ động… phục vụ công tác chính trị. Năm 1984, tôi ra quân với cấp bậc Thượng sĩ và công tác tại Công ty Chiếu bóng thị xã Thanh Hóa”- anh cho biết như vậy khi nhớ về một thời trong quân ngũ.

Ngoài vẽ áp phích, tranh cổ động phục vụ công ty chiếu bóng, Xuân Phúc vẫn tiếp tục vẽ tranh, dạy vẽ và làm các công việc liên quan đến mỹ thuật. Bởi vậy, anh còn là tác giả, chủ nhiệm công trình mỹ thuật trang trí nội thất Ban Tôn giáo Chính phủ. Anh tham gia vẽ tranh, đắp tượng, trùng tu tôn tạo các chùa Thần Quang, Hòe Nhai, Cửa Bắc và Bồ Đề trên địa bàn TP Hà Nội.

Tranh của Xuân Phúc sáng tác với nhiều đề tài như chân dung, tranh phong cảnh, tĩnh vật… cùng nhiều bút pháp linh hoạt như tả thực, siêu thực. Anh ngưỡng mộ các họa sĩ trường phái tân cổ điển, vì vậy, đặc trưng tranh của Xuân Phúc có gam màu trầm. Năm 2015, họa sĩ Xuân Phúc mở triển lãm tranh cá nhân tại 16 Ngô Quyền, Hà Nội và gây được tiếng vang trong giới hội họa. Anh cho biết, bức tranh đắt giá nhất của mình là bức “Nhà máy Điện Yên Phụ năm 1963” bán được 10.000USD. Ngoài đam mê hội họa, Xuân Phúc còn mê nhiếp ảnh và thơ. Có thể nói, con người anh đầy chất nghệ sĩ.

Họa sĩ Lê Thanh, một trong những người thầy ở trường đời của Xuân Phúc, rất yêu mến sự ham học hỏi của trò. Ông cho biết ông rất khâm phục Xuân Phúc vẽ chân dung Bác đầy tâm huyết, đầy trí tuệ và lòng kính yêu. Với những đề tài khác, Xuân Phúc đều vẽ có chiều sâu và gần gũi với cuộc sống.

Hiện nay, anh vẽ thêm dòng tranh phong thủy, tôn giáo để phục vụ nhu cầu của công chúng yêu nghệ thuật. Anh chia sẻ: “Cuộc đời tôi gắn bó với cây cọ vẽ như một nghiệp duyên và tôi sẽ đeo đuổi nó suốt cuộc đời”.

Đức Nghĩa, Kim Thanh

Theo Báo Quân đội nhân dân cuối tuần

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website