Nghệ An: Thực hiện chính sách an sinh xã hội theo mong muốn của Bác

Quan tâm thực hiện chính sách an sinh

Ông Đoàn Hồng Vũ, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An cho biết, Nghệ An là một trong những tỉnh đang quản lý và chi trả trợ cấp thường xuyên và một lần cho người có công lớn trong cả nước. Đối tượng chính sách xã hội cũng rất lớn, gồm 72.711 đối tượng người có công, 132.081 đối tượng bảo trợ xã hội, với tổng kinh phí hỗ trợ, trợ cấp là hơn 2.100 tỷ mỗi năm. Trong số đó, có 1.026 hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách người có công, chiếm tỷ lệ 1,98% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh, trong đó: hộ nghèo có thành viên hưởng trợ cấp thường xuyên là 262 hộ, chiếm tỷ lệ 25,54%; trợ cấp 1 lần là 764 hộ, chiếm tỷ lệ 74,5 %.

Đây là niềm trăn trở rất lớn đối với lãnh đạo tỉnh Nghệ An: Làm thế nào để đền đáp công ơn người có công một cách chu đáo, vừa thể hiện lòng biết ơn, vừa bù đắp những mất mát của họ, làm thế nào giúp họ có cuộc sống ổn định, không bị tụt hậu về phía sau trong hưởng chất lượng cuộc sống?

 Đoàn thanh niên Bộ Công an và Tỉnh đoàn Nghệ An trao quà cho người nghèo tai huyện Tương Dương

Nhớ lại Di chúc của Bác: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân” cùng những căn dặn của Người trong lần về thăm quê, trong mỗi bức thư Người gửi đảng bộ và nhân dân tỉnh Nghệ An: “Nhiệm vụ chúng ta phải ra sức củng cố chính quyền nhân dân và củng cố những tổ chức của nhân dân ở các địa phương và quan tâm đến đời sống nhân dân” (Hội nghị cán bộ toàn tỉnh) “hết sức chăm lo đời sống nhân dân” (bức thư gửi BCH ĐB Nghệ An ngày 21/7/1969); thời gian qua, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An đã khẳng định vai trò nòng cốt trong công cuộc thực hiện chính sách an sinh xã hội, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là đối tượng chính sách.

Trước tiên, tỉnh đã quan tâm quản lý và chi trả kịp thời và đầy đủ chế độ trợ cấp, phụ cấp cho người có công và thân nhân liệt sĩ; giải quyết cơ bản chế độ chính sách tồn đọng sau chiến tranh theo quy định của Nhà nước; xác nhận và thực hiện tốt chế độ chính sách cho người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hoá học;... đặc biệt, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những cá nhân cố tình làm sai để trục lợi chế độ chính sách.

Bên cạnh việc tập trung để thực hiện đúng, đủ chế độ ưu đãi cho người có công với cách mạng, thời gian qua Nghệ An còn làm tốt công tác "Đền ơn đáp nghĩa" để chăm lo ngày càng tốt hơn đời sống gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng, cùng với các chế độ chính sách của Nhà nước, tỉnh đã có những chính sách cụ thể động viên, khơi dậy trách nhiệm, tình cảm, huy động sự đóng góp của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh cùng chăm lo đời sống người có công với cách mạng. Phong trào xây dựng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được thực hiện có kết quả, bình quân mỗi năm huy động được từ 16 - 17 tỷ đồng. Năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019 đã thu được 32,5 tỷ đồng; thông qua nguồn quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” và các nguồn đóng góp khác của nhân dân, doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế chính trị xã hội, đã xây dựng mới và sửa chữa được 418 nhà tình nghĩa (trong đó: xây mới 168 nhà, sửa chữa nâng cấp 250 nhà), với tổng kinh phí trên 30,2 tỷ đồng. Tặng 1.983 sổ tiết kiệm cho các gia đình người có công, trị giá hơn 1,3 tỷ đồng, 100% Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các cơ quan, đơn vị nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời; trên 1600 thương, bệnh binh nặng được chuyển về chăm sóc tại gia đình. Đặc biệt, UBND tỉnh ban hành chính sách đào tạo nghề –giải quyết việc làm cho con liệt sỹ, con thương bệnh binh nặng, đã tạo điều kiện cho đối tượng vươn lên xoá đói giảm nghèo, qua đó đã kịp thời hỗ trợ giúp hộ nghèo, nhất là hộ nghèo thuộc đối tượng người có công có điều kiện vươn lên thoát nghèo.

Đối với những đối tượng chính sách xã hội, tỉnh đã có nhiều chính sách thiết thực để từng bước cải thiện điều kiện sống cho họ như: Nâng mức trợ cấp; hỗ trợ chi phí phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng cho người khuyết tật hệ vận động (cho 131.495 đối tượng) với kinh phí hơn 52 tỷ đồng/tháng. Quản lý chăm sóc, nuôi dưỡng tập trung 876 đối tượng tại 09 cơ sở trợ giúp xã hội; Thực hiện kịp thời các chế độ, chính sách hỗ trợ đối với gần 53.700 hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội trong dịp Tết Nguyên đán 2019, với số kinh phí hơn 8 tỷ đồng; Tổ chức cấp gạo cứu đói cho nhân dân với số lượng gạo phân bổ là 1.264.860 kg gạo, cho 22.709 hộ, 84.324 nhân khẩu. Hàng năm tỉnh tổ chức đào tạo nghề cho hơn 70.000 lượt người, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề lên 55,5% năm 2018.

Nhờ thực hiện đồng bộ có hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ đối tượng chính sách, người nghèo như đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đến nay, 100% người nghèo trên đia bàn tỉnh được cấp thẻ BHYT, hàng ngàn người nghèo đã được hỗ trợ vay vốn ưu đãi, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, qua đó từng bước thoát nghèo bền vững nên tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 15,61% năm 2012 xuống 5,54% năm 2018 (tương đương 51.949 hộ), bình quân mỗi năm giai đoạn 2012-2015 giảm 2,78% theo chiều nghèo đơn chiều; giai đoạn 2016-2018 bình quân 2,18% hộ nghèo giảm 2,2% hộ nghèo theo đa chiều. Tỷ lệ giảm nghèo tại các huyện, xã giảm bình quân 5-7%/năm.

Những kết quả trên cho thấy, trong thời gian qua công tác đảm bản an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh đã tạo được sự đồng thuận và quyết tâm cao của các cấp, các ngành các tổ chức đoàn thể và nhân dân. Đây là tiền đề vững chắc góp phần mang đến một cuộc sống tốt đẹp hơn cả về vật chất lẫn tinh thần, đảm bảo ổn định xã hội, tạo đà cho sự phát triển vững bền của tỉnh.

An sinh xã hội là nhiệm vụ của cả cộng đồng

Ông Đoàn Hồng Vũ cũng thừa nhận những mặt hạn chế ảnh hưởng đến hiệu quả công tác an sinh xã hội của tỉnh như: Sự phối kết hợp giữa các cơ sở dạy nghề với các địa phương, các sở ngành, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp trong việc dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn sau học nghề chưa được nhiều, hiệu quả chưa cao. Vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, việc làm thiếu ổn định, thiếu bền vững. Chất lượng nguồn lao động nói chung, lao động có chuyên môn kỹ thuật cao nói riêng chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động.

 Vận động, tuyên truyền toàn xã hội quan tâm đến người yếu thế của Đoàn thanh niên tỉnh Nghệ An.

Một số địa phương, nhất là cấp cơ sở chưa xây dựng được kế hoạch, lộ trình giảm nghèo gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, mô hình xóa đói giảm nghèo chưa nhiều, quy mô còn nhỏ, nguồn vốn đầu tư cho huyện, xã nghèo đặc biệt khó khăn còn hạn chế, công tác lồng ghép các nguồn lực khó khăn, một số mô hình hiệu quả chưa cao.

Chăm lo đời sống nhân dân không phải là việc của riêng ai, cần sự chung tay giúp sức của toàn xã hội. Ông Bùi Quốc Dũng, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội Sở LĐTB&XH khẳng định, trong thời gian tới, Sở Lao động tỉnh sẽ quan tâm chỉ đạo đổi mới và nâng cao chất lượng dạy nghề; huy động nguồn lực xã hội hóa hỗ trợ đối tượng yếu thế, lao động nghèo trong hoạt động sinh kế, tạo việc làm; giải quyết tốt chính sách với người có công; không để xảy ra vi phạm, thất thoát, bảo đảm an sinh cơ bản cho mọi người dân; đặc biệt phối hợp các cơ quan chức năng nâng cao vai trò trách nhiệm của các câp, các ngành và toàn xã hội trong thực hiện chính sách an sinh xã hội. Tỉnh cũng sẽ tìm mọi cách kêu gọi doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, mạnh thường quân tiếp tục thực hiện trách nhiệm xã hội, ủng hộ để cùng chung tay chăm lo tốt hơn đời sống cho người có công, những người yếu thế, đối tượng xã hội và người nghèo, đáp ứng lòng mong mỏi của Bác, không để bất kỳ ai bị bỏ sót hay cảm thấy bị bỏ sót trong các chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Bài, ảnh: Thương Huyền

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website