Lời Người dạy, chúng con khắc ghi

 

Tình cảm đặc biệt của Bác dành cho Vùng mỏ

Sinh thời, Bác dành sự quan tâm đặc biệt cho vùng đất Quảng Ninh. Bác đã có 9 lần về thăm vùng đất biên cương của Tổ quốc. Không chỉ những vùng đô thị như Hạ Long, Uông Bí, mà những vùng xa xôi như Móng Cái, Cô Tô, Vân Đồn cũng đã in dấu chân Người. Trong mỗi chuyến đi ấy, Bác đều ân cần động viên, thăm hỏi, dặn dò các cấp ủy, chính quyền, quân và dân địa phương nỗ lực phấn đấu xây dựng Quảng Ninh ngày càng giàu đẹp.

Lần thứ hai Bác Hồ về thăm Quảng Ninh vào ngày 4/10/1957. Nhân dân TX Hòn Gai (nay là TP Hạ Long)
Lần thứ hai Bác Hồ về thăm Quảng Ninh vào ngày 4/10/1957. Nhân dân TX Hòn Gai (nay là TP Hạ Long) họp mít tinh mừng đón Bác. Ảnh tư liệu

Lần đầu tiên Bác đến thăm Quảng Ninh là ngày 24/3/1946, Bác đi bằng thủy phi cơ Catalina từ sân bay Gia Lâm xuống Vịnh Hạ Long hội đàm với Cao ủy Pháp tại Đông Dương - Đô đốc Georges Thierry d’Argenlieu trên tuần dương hạm Esmille Bertin. Lần thứ hai là từ ngày 3 đến 5/10/1957, Bác về nghỉ ở Bãi Cháy, ngày 4/10/1957, Bác nói chuyện với nhân dân TX Hòn Gai, ngày 5/10/1957 Bác thăm Vịnh Hạ Long, thăm hang Đầu Gỗ.

Tiếp đó, từ ngày 29 đến 31/3/1959, Bác về nghỉ ở Bãi Cháy và thăm Vịnh Hạ Long; thăm Sở Chỉ huy Trung đoàn 244; thăm Cửa Ông, mỏ Đèo Nai, đảo Tuần Châu, tàu Hải quân T254 tại quân cảng Bãi Cháy, thăm Đại đội pháo 34 trên đảo Hòn Rồng. Lần thứ tư Bác về thăm Quảng Ninh là từ ngày 19 đến 20/2/1960, ở đây Bác thăm Trường cấp I, II Móng Cái, xưởng gốm Móng Cái, Bác qua cầu Bắc Luân thăm một nhà trẻ ở Đông Hưng (Trung Quốc), thăm Hợp tác xã Sáy Nguồn, trại trồng cây Đoan Tĩnh và nói chuyện với nhân dân trong cuộc mít tinh lớn tại sân vận động Móng Cái.

Ngày 8 và 9/5/1961, Bác về Quảng Ninh thăm đảo Cô Tô; thăm Trung đoàn 248 tại thị trấn Tiên Yên, kéo lưới với ngư dân Trà Cổ, gặp gỡ các đồng chí lãnh đạo huyện Tiên Yên tại sân bay Tiên Lãng. Lần thứ sáu Bác về Quảng Ninh cùng anh hùng du hành vũ trụ Liên Xô Ghéc-man Ti-Tốp thăm Vùng mỏ và thăm Vịnh Hạ Long (từ ngày 21 đến 22/1/1962). Tiếp đó, ngày 13/11/1962, Bác về thăm đảo Ngọc Vừng và quân cảng Vạn Hoa. Ngày 23/11/1963, Bác về thăm đảo Tuần Châu.

Lần thứ chín, cũng là lần cuối cùng Người về thăm Quảng Ninh Tết Ất Tỵ, ngày 2/2/1965, Bác về vui Tết với nhân dân Quảng Ninh. Trưa 30 Tết, trên đường về Quảng Ninh, Bác nghỉ trưa tại Trường cấp I Phạm Hồng Thái, Đông Triều. Tối 30 Tết, Bác tiếp các đại biểu của tỉnh đến chúc Tết. Sáng mồng một Tết, ngày 2/2/1965 Bác nói chuyện với đồng bào tại cuộc mít tinh lớn tại sân trường cấp III Hòn Gai. Trên đường về Uông Bí, Bác dừng chân tại đồi thông Yên Lập, thăm một gia đình nông dân người Hoa. Tại Uông Bí, Bác nói chuyện, chúc Tết nhân dân và các chuyên gia nước ngoài.

Không chỉ thế, Bác còn đặt tên cho tỉnh Quảng Ninh với mong mỏi về một vùng đất rộng lớn, yên vui, bền vững. Cụ thể là giữa tháng 9/1963, sau cuộc họp các Bí thư Tỉnh uỷ, Bác nói với ông Hoàng Chính, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Hải Ninh (1946-1948, 1955-1963), nguyên Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Quảng Ninh (1964-1969): "Bác đã hỏi ý kiến nhiều đồng chí, Bác đề nghị lấy mỗi tỉnh một chữ cuối của Hồng Quảng và Hải Ninh, ghép lại thành Quảng Ninh, vừa dễ hiểu, vừa dễ nhớ, lại có nhiều nghĩa. “Quảng” là rộng lớn, “Ninh” là yên vui, bền vững. Quảng Ninh là một vùng rộng lớn, yên vui, bền vững".

Xây dựng Quảng Ninh trở thành một tỉnh giàu đẹp

Ngày 15/11/1968, khi sức khỏe đã yếu, Bác Hồ đã gặp mặt nói chuyện thân mật với đoàn đại biểu công nhân ngành Than và tỉnh Quảng Ninh. Bác dặn: “… Bác rất mong tất cả công nhân và cán bộ cố gắng hơn nữa, đẩy mạnh ngành Than trở thành một ngành gương mẫu cho các ngành kinh tế khác và tỉnh Quảng Ninh trở thành một tỉnh giàu đẹp...”.

Khắc ghi lời dạy của Bác, những năm qua, Đảng bộ tỉnh luôn phát huy tốt truyền thống “kỷ luật và đồng tâm” được truyền lại từ những thế hệ công nhân mỏ năm xưa, xây dựng khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng, khối đại đoàn kết toàn dân. Đồng thời, tổ chức thực hiện nghiêm túc, sáng tạo các chủ trương, nghị quyết của Đảng và Nhà nước, đạt được nhiều thành tựu toàn diện, xây dựng Quảng Ninh ngày càng phát triển. Từ một tỉnh nghèo với nhiều khó khăn, thách thức, đến nay, Quảng Ninh đã trở thành một trong những tỉnh đi đầu cả nước trên nhiều lĩnh vực.

Đặc biệt, bám sát Cương lĩnh xây dựng đất nước, trong đó đã xác định nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt; các nghị quyết, kết luận của Trung ương, tỉnh đã có nhiều đổi mới về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế... Cụ thể là tỉnh đầu tiên trên cả nước đầu tư gần 100km đường cao tốc và sân bay quốc tế để liên kết vùng và kết nối quốc tế (cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, Hạ Long - Vân Đồn, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn). Đồng thời, mạnh dạn đổi mới công tác xúc tiến và quản lý đầu tư, thành lập Ban Hỗ trợ và Xúc tiến đầu tư (IPA) trực thuộc UBND tỉnh (mô hình đầu tiên trong cả nước). Nhờ đó, từ năm 2013 đến nay đã thu hút đầu tư được trên 8 tỷ USD, trong đó gần 2,5 tỷ USD vốn FDI, với sự có mặt của các nhà đầu tư chiến lược, như: Vingroup, Sun Group, FLC, Bimgroup, Him Lam, My Way, Texhong, Rent A Port, Amata... Quảng Ninh luôn nằm trong nhóm tỉnh, thành phố dẫn đầu về xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trong những năm vừa qua. Đặc biệt năm 2017 đã vươn lên vị trí dẫn đầu cả nước.

Thôn Hội Phố, xã Đông Hải (huyện Tiên Yên) xây dựng nông thôn kiểu mẫu. Ảnh: Nguyễn Dung
Thôn Hội Phố, xã Đông Hải (huyện Tiên Yên) xây dựng nông thôn kiểu mẫu. Ảnh: Nguyễn Dung

Để nông thôn tiến kịp thành thị, Quảng Ninh đã triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới theo hướng lấy người dân làm chủ thể và là động lực gắn với Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP). Kết quả triển khai được Trung ương đánh giá cao, ghi nhận là một trong những tỉnh đi đầu trong cả nước về xây dựng nông thôn mới. Đến hết năm 2015, Quảng Ninh cơ bản trở thành tỉnh nông thôn mới; diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc. Hiện nay, tỉnh đang triển khai mô hình nông thôn tiên tiến. Thu nhập của người dân khu vực nông thôn tăng gần 3,5 lần từ 11 triệu đồng/năm (2010) lên gần 35 triệu đồng/năm (2017).

Đặc biệt, tỉnh đã chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ bề rộng sang chiều sâu để phát triển bền vững, trong đó lấy phát triển du lịch, dịch vụ làm trung tâm, nhằm giải quyết mâu thuẫn giữa khai thác than, phát triển công nghiệp nặng với phát triển du lịch trên cùng địa bàn một cách có hiệu quả. Từ đó, giảm tỷ lệ thu ngân sách nhà nước từ than và đất từ 67% năm 2011 xuống dưới 40% năm 2017; giảm cơ cấu công nghiệp năm 2010 từ 53,4% xuống 52,1%; tăng tỷ trọng dịch vụ từ 39,3% lên 41,2% năm 2017; tiết kiệm chi thường xuyên để dành nguồn lực cho đầu tư phát triển (tỷ trọng chi đầu tư phát triển trong tổng chi ngân sách địa phương tăng dần, từ 43% năm 2010 lên 56,67% năm 2017).

Cảng tàu khách Quốc tế Tuần Châu được xây dựng hiện đại, đáng ứng nhu cầu của du khách.
Cảng tàu khách Quốc tế Tuần Châu được xây dựng hiện đại, đáng ứng nhu cầu của du khách.

Cùng với phát triển kinh tế, Quảng Ninh luôn đảm bảo giữ vững quốc phòng, an ninh và phát triển văn hóa, xã hội. Diện mạo thành thị và nông thôn thay đổi tích cực, đời sống tinh thần, vật chất được nâng cao; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm đến nay chỉ còn 2,25%; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn tỉnh đạt trên 92,9%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 54,3%. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được quan tâm chỉ đạo toàn diện, có nhiều đổi mới. Đề án 25 về “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế” được tập trung triển khai và đi vào cuộc sống, có hiệu quả rõ rệt. Niềm tin của nhân dân đối với Đảng ngày được nâng lên từ 73,3% (năm 2016) lên 79% (năm 2017).

Quảng Ninh vẫn luôn là thành trì vững chãi nơi đầu sóng ngọn gió, thực sự trở thành miền đất rộng lớn, yên vui, bền vững như Bác hằng mong muốn khi đặt tên cho Quảng Ninh và là phên dậu, che chắn cả khu vực Đông Bắc của Tổ quốc./.

Hà Chi

Theo http://www.baoquangninh.com.vn


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website