Lời Bác - Chân lý trường tồn

t7-le-hoang02-1567207543

Bia  đá  lịch sử được đặt tại Đền Giếng, nơi Bác Hồ nói chuyện với cán bộ,

chiến sỹ Đại đoàn 308 Quân Tiên phong.

Sáng 19/9/1954, tại Đền Giếng trong Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, Bác Hồ đã gặp mặt, căn dặn và giao nhiệm vụ cho cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên Phong (Sư đoàn 308). Người nói:

“Các Vua Hùng đã có công dựng nước,

Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Lời căn dặn của Bác là “mệnh lệnh” đối với toàn Đảng, toàn quân và nhân dân Việt Nam, trở thành chân lý của mọi thời đại. Những ngày thu tháng Tám năm nay, các chiến sĩ của Sư đoàn 308 ngày ấy ai ai cũng đang lâng lâng sống lại ký ức thời oanh liệt khi chuẩn bị các điều kiện để kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Sư đoàn. Những CCB già, tuổi đã cao, chân đã chậm nhưng chúng tôi vẫn thấy toát lên ở các bác thần thái cương trực như ngày nào ở mặt trận. Và điều đặc biệt hơn nữa, trong thời bình, trở về với quê hương, mỗi chiến sĩ Đại đoàn 308 quân Tiên Phong đều là những công dân gương mẫu trong mọi lĩnh vực.

Thiếu tướng Nguyễn Hiền chia sẻ, lần thứ 4 được gặp Bác Hồ tại Đền Hùng, Bác dặn: “…Trong hòa bình cũng có thể lập được công, như giúp dân chống lụt, chống bão, tăng gia sản xuất, phải ra sức học tập kỹ thuật, chiến thuật… Không được xao lãng mục đích trở thành người chiến sỹ quân đội cách mạng trong thời bình”. Học và làm theo lời Bác, Thiếu tướng Nguyễn Hiền trải qua hơn bốn thập kỷ cầm súng, từ khi là anh “Vệ túm” chân đất đồng quê, quần áo vá chằng vá đụp, nhập ngũ với mong muốn đánh đuổi thực dân Pháp, xóa bỏ ách nô lệ của dân tộc, trong đó có gia đình, làng xóm của chính mình..., trở thành Thư ký chính trị đại đội đến chính trị viên trung đội, đại đội, tiểu đoàn; Chính ủy trung đoàn rồi Phó Tư lệnh về chính trị quân đoàn đến Phó Chủ nhiệm chính trị Quân khu, kể cả khi giữ cương vị Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh suốt 17 năm (3 khóa), những hình ảnh về mỗi lần được gặp Bác Hồ và lời căn dặn của Bác tại Đền Hùng luôn khắc sâu trong tâm khảm, khích lệ ông mọi nơi, mọi lúc. Đi qua những cuộc chiến, vị tướng luôn một lòng biết ơn vô hạn đối với Đảng, Bác Hồ và quân đội nhân dân Việt Nam đã rèn luyện và giáo dục cho mình những phẩm chất cao đẹp của một công dân - chiến sỹ để cống hiến, chiến đấu và chiến thắng.

 t7-le-hoang-thu-huong-1567207567

Cựu chiến binh Đại đoàn 308 Quân Tiên Phong phấn khởi trong ngày gặp mặt.

Mỗi khi nhắc về Sư đoàn 308 và lời căn dặn của Bác tại Đền Hùng, ông Trần Phương Cách luôn lấy làm vinh dự, tự hào. Ông Cách là một minh chứng rất rõ ràng cho 2 câu thơ: “Tuổi 20 làm sao không tiếc/Nhưng ai cũng tiếc tuổi 20 thì còn chi Tổ quốc”. Chàng sinh viên sinh năm 1947, xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi của Tổ quốc năm 1966 khi đang học năm cuối của trường Đại học sư phạm Hà Nội. Là chiến sĩ Sư đoàn 308 nhưng ở thế hệ sau nên mỗi khi nói chuyện về Sư đoàn, ông luôn tự nhận mình là  “anh lính tò te” nhưng không giấu được niềm tự hào khi được khoác áo lính, đặc biệt là lần được cùng Tiểu đoàn trưởng Lê Khôi đưa Chính ủy trung đoàn Nguyễn Hiền đi trinh sát ở cao điểm 600 gần làng Cát (tỉnh Quảng Trị). Chiến tranh qua đi, thứ quý giá mà ông có không chỉ là những năm tháng tuổi trẻ xông pha nơi tiền tuyến mà còn là “bước đệm” để ông bước vào “chiến trường không tiếng súng” thương trường. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ với Tổ quốc, trở về địa phương, ông học tập, rèn luyện và cống hiến không biết mệt mỏi, hiện ông quản lý và điều hành 3 nhà máy may thuộc Công ty cổ phần may Sông Hồng đặt tại 3 địa điểm: Thành phố Việt Trì, huyện Yên Lập, huyện Tam Nông. Các cơ sở này đã giải quyết việc làm cho gần 3.000 lao động, giúp người lao động có thu nhập ổn định, phát triển cuộc sống, xóa đói giảm nghèo; góp phần cùng địa phương thay đổi cơ cấu kinh tế vùng. Bên cạnh đó, Công ty luôn tích cực tham gia công tác từ thiện, giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn… ông Cách cho biết: “Được là người lính đã là niềm tự hào, lại là lính của Đại đoàn quân Tiên Phong, được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ trực tiếp thì lại càng lấy làm vinh dự và cảm thấy trách nhiệm vô cùng to lớn. Trong thời chiến, nhiệm vụ ấy là chiến đấu và chiến thắng để bảo vệ Tổ quốc thì khi bước vào thời bình, nhiệm vụ “giữ nước” là phấn đấu vươn lên, để mình không bị bỏ lại phía sau và đóng góp cho công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc”.

Cũng là lính trong Sư đoàn 308 ở thời kỳ sau, từng tham gia trọn vẹn 2 chiến dịch: Đường 9 Nam Lào năm 1971 và trải qua 81 ngày đêm ở Thành cổ Quảng Trị năm 1972, ông Đỗ Xuân Thọ nay đã 77 tuổi. Ngày ấy, “bỏ quên” cả chế độ được ưu tiên ở lại, ông tình nguyện viết đơn xin nhập ngũ và được huấn luyện 3 năm tại C2, D1, E36, F308 quân chủ lực. Sau đó được chuyển lên Ban Tham mưu trung đoàn với nhiệm vụ đi trước cùng Ban Tham mưu và thủ trưởng để nghiên cứu địa hình, sắp xếp đơn vị phù hợp với tình hình chiến đấu. Ông luôn có mặt ở chỉ huy sở tiền phương, nơi gần địch nhất ở tất cả các trận đánh.  Ông kể: “Ngày đầu vào quân ngũ, tân binh đều được học về tư tưởng chính trị và truyền thống của sư đoàn, câu chuyện Bác về thăm Đền Hùng và giao nhiệm vụ cho sư đoàn lại càng nhân lên niềm tự hào, tiếp thêm nghị lực, ý chí và sức mạnh cho chiến sĩ trẻ”. Trong những ngày tháng mưa bom ác liệt nhất tại Thành cổ Quảng Trị, ông vinh dự được kết nạp Đảng ngay tại chiến trường.

Chính những năm tháng chiến tranh đã tôi luyện cho ông sự gan góc, tinh thần dám nghĩ, dám làm nên sau khi phục viên, chứng kiến sự nghèo kiệt của gia đình, làng xóm, ông lại một lần nữa không cam chịu. Ông đã mạnh dạn mở tổ hợp sản xuất gạch, cơ khí, vận tải. Nhờ lao động miệt mài, ông đã thoát nghèo và được người dân địa phương yêu mến gọi là “Dũng sĩ diệt đói nghèo”. Liên tục 10 năm làm Bí thư chi bộ, 16 năm làm trưởng khu là lời khẳng định về sự tin tưởng và tín nhiệm của người dân địa phương dành cho ông Thọ. Ông và gia đình, con cháu luôn là những người nêu gương đi đầu trong mọi hoạt động, phong trào và các đóng góp cho tập thể, làm được nhiều cơ sở vật chất, các thiết chế văn hóa cho khu dân cư nơi ông sinh sống. Với ông, đã là người “đầy tớ” của dân thì không ngại hy sinh những cái đáng phải hy sinh, phải đóng góp và cống hiến.

Đất nước ta đã “hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” như Bác hằng mong muốn. Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đất nước hội nhập và phát triển, “mệnh lệnh” Người giao không chỉ có ý nghĩa đối với cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn quân Tiên Phong mà còn là “chân lý” được toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta khắc ghi và thực hiện trên tất cả các mặt trận để phát huy truyền thống con cháu Lạc Hồng, giữ gìn giang sơn gấm vóc, phấn đấu đưa nước ta sánh ngang với các cường quốc năm châu.

Lê Hoàng - Thu Hương

Theo http://baophutho.vn

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website