Lan tỏa phong trào học và làm theo Bác

Những ngày cuối năm Kỷ Hợi, chúng tôi có dịp gặp gỡ những điển hình tiên tiến, tìm hiểu mô hình mới, cách làm hay trên các lĩnh vực. Đây là những tập thể, cá nhân có đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, trở thành gương sáng để người dân học tập và làm theo.

“BÍ THƯ MIỆNG NÓI, TAY LÀM”

Đó là ông Đinh Viết Chương (55 tuổi), 30 năm tuổi Đảng, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng khu phố 8, phường Long Phước, thị xã Phước Long. Để thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, ông Chương cho rằng, học và làm theo Bác từ chính những việc làm hằng ngày như: Nâng cao trách nhiệm với công việc; gần dân, bám dân; tuyên truyền vận động các hộ dân trong khu phố thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, hiến đất, đóng góp công lao động, nguyên vật liệu làm đường bê tông, đường điện chiếu sáng... Nhờ đó, trong 2 năm (2017 và 2018) với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, ông Chương đã cùng cấp ủy Chi bộ, Ban điều hành khu phố 8 vận động nhân dân, các tổ chức, cá nhân đóng góp làm mới, nâng cấp, sửa chữa hơn 1km đường bê tông, nhựa hóa với kinh phí hơn 320 triệu đồng và lắp đặt 98 trụ cờ, trụ điện thắp sáng đường quê trị giá 100 triệu đồng.  

 

Huyện ủy Phú Riềng tuyên dương những tập thể, cá nhân điển hình trong

học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2018-2019

Khu phố 8, phường Long Phước có 336 hộ/1.452 người, Chi bộ khu phố có 9 đảng viên, 32 đảng viên sinh hoạt 76. Những năm trước, người dân sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, kinh doanh nhỏ lẻ nên kinh tế còn nhiều khó khăn; thu nhập bình quân chỉ khoảng 30 triệu đồng/người/năm. Để giúp các hộ dân trong khu phố thay đổi tư duy, tập trung phát triển kinh tế, hằng tuần ông Chương dành thời gian thăm hỏi, nắm bắt tâm tư, tháo gỡ vướng mắc của bà con. Ông còn gương mẫu trong mọi hoạt động tại khu dân cư, tích cực, chủ động phát triển kinh tế gia đình. Ông dành nhiều thời gian vận động nhân dân thực hiện các phong trào như: Xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, giữ gìn vệ sinh môi trường; thực hiện hương ước, quy ước khu phố, hòa giải các mâu thuẫn trong nhân dân. Nhờ đó, đời sống người dân từng bước được nâng cao, khu phố không còn hộ nghèo, thu nhập bình quân 47,5 triệu đồng/người/năm và có hơn 98% gia đình đạt văn hóa. Liên tục trong nhiều năm liền khu phố 8 đạt văn hóa, chi bộ đạt trong sạch, vững mạnh.

Ông Chương cho biết: “Muốn dân tin và làm theo thì bản thân và gia đình phải tiên phong, gương mẫu. Vì vậy, ngoài làm tốt công việc xã hội, gia đình, tôi còn tập trung phát triển kinh tế và nuôi dạy các con trưởng thành. Trung bình mỗi năm gia đình tôi thu lời khoảng 250 triệu đồng từ 6 ha điều, cao su. 3 người con của tôi đã tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định. Các cháu nội, ngoại chăm ngoan, học giỏi”.

Với những thành tích đạt được, ông Chương được UBND tỉnh, thị xã, khu phố tặng bằng khen, giấy khen. Gia đình ông nhiều năm liền đạt văn hóa, hiếu học, mẫu mực.

CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN TIÊN PHONG, GƯƠNG MẪU

Thôn 4, xã Long Bình, huyện Phú Riềng là một trong những điển hình về vận động nhân dân thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Từ năm 2018 đến nay, Chi bộ cùng Ban điều hành thôn 4 vận động nhân dân đóng góp trên 1 tỷ đồng làm mới và sửa chữa, nâng cấp gần 8km đường nông thôn; xây dựng cổng, nhà văn hóa thôn và mua đất xây dựng nghĩa trang...

Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả. Tiêu biểu là mô hình “Đảng viên tiết kiệm làm theo lời Bác”. Từ mô hình này, Thị ủy Phước Long tiết kiệm được gần 3,7 tỷ đồng và đã hỗ trợ 2,7 tỷ đồng xây dựng 40 căn nhà tình thương cho các hộ nghèo, đảng viên khó khăn về nhà ở; số còn lại trao học bổng tặng học sinh các trường trên địa bàn thị xã. Đảng viên trong toàn Đảng bộ huyện Chơn Thành đóng góp được 625 triệu đồng và đã trích giúp đỡ, thăm hỏi, động viên các đảng viên hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo. Huyện ủy Bù Đốp tiết kiệm được 687 triệu đồng, xét hỗ trợ một số đảng viên khó khăn về nhà ở và phát triển kinh tế gia đình trị giá 155 triệu đồng. Với những việc làm thiết thực, sau 3 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, toàn tỉnh có 176 tập thể và 215 cá nhân được biểu dương, khen thưởng; trong đó, Trung ương tuyên dương 1 cá nhân, cấp tỉnh khen thưởng 10 tập thể và 20 cá nhân. 

Ông Nguyễn Văn Phán, Phó bí thư Chi bộ, Trưởng thôn 4, cho biết: Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ở thôn có nhiều gương điển hình trong hiến đất làm đường và hỗ trợ ngày công thực hiện các công trình an sinh xã hội. Tiêu biểu như hộ ông Trần Văn Thủy ủng hộ 10 triệu đồng và hiến 150m2 đất làm đường; gần 30 hộ dân ở xóm 4, thôn 4 góp trên 100 triệu đồng và hiến khoảng 600m2 đất để mở rộng đường. Bà Nguyễn Thị Phụng ở thôn 4 nói: Trước đây, con đường liên thôn chỉ rộng hơn 1m, mùa mưa hư hỏng, trơn trượt. Khi Ban điều hành thôn vận động làm đường, chúng tôi đồng ý ngay và nhiệt tình hiến đất, góp tiền để nâng cấp đường sỏi đỏ rộng 4m, thuận lợi đi lại.

Không chỉ ở thôn 4, xã Long Bình, trên địa bàn tỉnh còn có nhiều cá nhân cũng được UBND tỉnh tặng bằng khen vì đã có thành tích trong học tập và làm theo Bác. Tiêu biểu như Bí thư Chi bộ thôn Phú Hưng (xã Phú Riềng, huyện Phú Riềng) Nguyễn Sỹ Luận. Từ năm 2016 đến nay, ông Luận vận động nhân dân đóng góp gần 1,5 tỷ đồng làm 4km đường bê tông xi măng, 750m đường nhựa, lắp gần 4km đèn đường; mua thêm 150m2 đất mở rộng nhà văn hóa thôn. Năm 2018, ông Luận vận động nhân dân, doanh nghiệp trên địa bàn ủng hộ gần 30 triệu đồng tặng quà các đối tượng bảo trợ xã hội và 2 sổ tiết kiệm (2 triệu đồng/sổ) cho 2 hộ nghèo của thôn. Ông Luận cho biết: “Để người dân hưởng ứng và tham gia đầy đủ phong trào thì cán bộ, đảng viên phải tiên phong, gương mẫu thực hiện. Vì vậy, những khoản đóng góp xây dựng đường giao thông hay Quỹ “Vì người nghèo”, gia đình tôi luôn gương mẫu thực hiện trước nên người dân tin tưởng và làm theo”.

VÌ LỢI ÍCH TẬP THỂ

Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phường Tiến Thành, thành phố Đồng Xoài đã nỗ lực dồn sức trong xây dựng NTM. Với quyết tâm nâng cao chất lượng 16 tiêu chí đã đạt và phấn đấu hoàn thành 3 tiêu chí còn lại trong năm 2017, Tiến Thành đã phối hợp các sở, ngành, phòng, ban, đơn vị của tỉnh và thành phố rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch để phù hợp quy hoạch chung của Đồng Xoài, điều kiện đặc thù địa phương. Giai đoạn 2016-2018, Tiến Thành đã huy động nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng và chuyển đổi cây trồng, vật nuôi được gần 49,8 tỷ đồng. Trong đó, nhân dân đóng góp gần 22 tỷ đồng. Từ đó, Tiến Thành đã triển khai đầu tư xây dựng công trình giao thông nông thôn nâng cấp, mở rộng, bê tông hóa các tuyến đường liên thôn... Đến nay, các tuyến đường trên địa bàn cơ bản được nhựa cứng và bê tông hóa giúp việc đi lại của người dân thuận lợi, kinh tế, xã hội có bước phát triển.

Từ phong trào xây dựng NTM, trên địa bàn Tiến Thành đã xuất hiện nhiều cá nhân, gia đình điển hình, như: ông Hoàng Văn Thàm hiến 1.060m2 đất làm đường nông thôn; ông Phùng Tiến Quang hiến 4.000m2 đất và 240 cây cao su đang khai thác với tổng trị giá 4,14 tỷ đồng để làm kè suối và 69 hộ hiến 32 ha đất để làm 3 công viên, suối Tà Băng trị giá 35 tỷ đồng. Thông qua vận động, Tiến Thành đã thi công 31km đường điện cao thế, trung thế với tổng kinh phí 19 tỷ đồng. Song song đó, từ nguồn ngân sách của tỉnh và thành phố bố trí, Tiến Thành đã đầu tư xây dựng các điểm trường học, nhà văn hóa... với tổng trên 16 tỷ đồng. Nhờ đó đến cuối năm 2017, thu nhập bình quân ở Tiến Thành đạt 50 triệu đồng/người; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1% (hiện phường không còn hộ nghèo). Ghi nhận kết quả đạt được, ngày 18-12-2017, Chủ tịch UBND tỉnh ký ban hành Quyết định số 3294/QĐ-UBND công nhận Tiến Thành đạt chuẩn NTM.

 

Thùy Hương

Theo https://baobinhphuoc.com.vn

 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website