Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay

Là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh không ngừng chăm lo xây dựng, rèn luyện Đảng ta thành một đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu cho trí tuệ, đạo đức, lương tâm và danh dự của dân tộc, xứng đáng là người lãnh đạo, người đày tớ trung thành của nhân dân.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã và đang chỉ đạo thực tiễn cách mạng nước ta, xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, xứng đáng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật sự trung thành của Nhân dân. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng cầm quyền, gắn kết xây dựng Đảng với chỉnh đốn Đảng không chỉ là một quy luật tất yếu, mà còn là sự vận động và phát triển của Đảng trong suốt tiến trình phát triển của cách mạng Việt Nam do Đảng lãnh đạo. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng Đảng và chỉnh đốn Đảng là hai mặt của một quá trình thống nhất, gắn kết chặt chẽ với nhau vì mục tiêu đem lại cho Đảng một chất lượng mới, một tầm cao mới. Xây dựng và chỉnh đốn Đảng không chỉ là nhiệm vụ then chốt, mang tầm chiến lược, mà còn là công việc thường xuyên của Đảng. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng đòi hỏi Đảng phải kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam, hiểu rõ phong trào cách mạng Việt Nam. Xây dựng và chỉnh đốn Đảng còn đòi hỏi Đảng kiên định con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, kiên định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng Việt Nam, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát triển và thực hành dân chủ rộng rãi, xây dựng Nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, thực hiện “Đảng với dân một ý chí”. Xây dựng Đảng phải gắn kết với chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, đoàn kết thống nhất trên cơ sở tự phê bình và phê bình, trở thành một Đảng “vừa đạo đức, vừa văn minh”, xứng đáng là người lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Với cương vị lãnh đạo hệ thống chính trị, Đảng phải xứng danh là người lãnh đạo, phải là một Đảng trí tuệ, đạo đức, văn minh. Là thành viên của hệ thống chính trị, Đảng phải hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật, không được đứng trên, đứng ngoài pháp luật; không được đứng trên Nhà nước và nhân dân. Đảng phải xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân; chống mọi biểu hiện tiêu cực của bộ máy nhà nước, như bệnh quan liêu, lãng phí, tham nhũng; xây dựng và nâng cao bản lĩnh chính trị và uy tín của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Uy tín này chủ yếu nằm ở đạo đức cách mạng, bản lĩnh và trí tuệ; ở sức cảm hóa, thuyết phục nhân dân, với tinh thần hiểu dân, học dân, hỏi dân, tin dân, thật sự là người đầy tớ trung thành của nhân dân. Người chỉ rõ: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”(1). Theo Bác, muốn như vậy, một trong những biện pháp cơ bản là Đảng phải thường xuyên xây dựng, chỉnh đốn Đảng, và đây là công việc thường xuyên; Đảng cầm quyền, nhưng Nhân dân là chủ. Vì vậy, chỉnh đốn Đảng một mặt, khẳng định sức mạnh chính trị to lớn của Đảng trong cải tạo cái cũ, xây dựng cái mới đối với các lĩnh vực đời sống xã hội; mặt khác, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện thoái hóa,biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên lợi dụng cương vị của Đảng vi phạm quyền làm chủ của nhân dân, đi ngược lại lợi ích, nguyện vọng của nhân dân, dẫn tới lạm quyền, lộng quyền, đặc quyền, đặc lợi. Theo Người, để loại bỏ cái xấu, cái dở cần phải rèn luyện thường xuyên, trong đó biện pháp quan trọng là đổi mới, xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Chỉnh đốn Đảng là để cán bộ, đảng viên khi gặp khó khăn thì củng cố quan điểm, lập trường, tư tưởng, bình tĩnh sáng suốt, không bi quan, không chủ quan, tự mãn. Chỉnh đốn, xây dựng Đảng là để khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm, làm cho Đảng mạnh lên. Người chỉ rõ: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”(2).

Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, đánh giá những mặt đã đạt được và chưa đạt được của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng về: chính trị, tư tưởng và tổ chức; công tác cán bộ; xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên. Để nâng cao hiệu quả xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình hiện nay, theo chúng tôi cần thực hiện tốt mấy giải pháp cơ bản sau:

1. Thường xuyên giáo dục cho cán bộ, đảng viên và nhân dân kiên định, giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng, hệ tư tưởng của Đảng. Công tác giáo dục phải làm cho mục tiêu, lý tưởng của Đảng ăn sâu, bám chắc vào đời sống chính trị tinh thần của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Trên cơ sở nắm vững bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên phải trung thành, vận dụng sáng tạo lý luận của Đảng vào từng lĩnh vực của đời sống xã hội. Tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng trên nền của sự giác ngộ chính trị cao và những nguyên tắc của công tác xây dựng Đảng; tăng cường đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa; làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của địch và những kẻ cơ hội chính trị.

2. Ra sức học tập, rèn luyện đạo đức, lối sống cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Trước hết phải nâng cao kiến thức mọi mặt cho cán bộ, đảng viên, trong đó tập trung bồi dưỡng lý luận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, năng lực tư duy, hoạt động thực tiễn và chuyên môn nghiệp vụ, thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Khắc phục triệt để tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên giảm sút ý chí, phai nhạt lý tưởng, thoái hóa, biến chất về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống....

3. Củng cố tổ chức, chấp hành nghiêm các nguyên tắc, chế độ sinh hoạt của Đảng. Đây là cơ sở để củng cố tổ chức, bảo đảm đoàn kết thống nhất, kỷ luật trong Đảng. Vì vậy, phải quán triệt, chấp hành nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tổ chức cơ bản của Đảng, chế độ tự phê bình và phê bình trong toàn Đảng theo tinh thần các chỉ thị, nghị quyết của Đảng.

4. Chỉnh đốn phong cách lãnh đạo, lề lối làm việc, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉnh đốn phong cách, lề lối làm việc là một yêu cầu có tính cấp bách đối với hoạt động lãnh đạo của một đảng cầm quyền ra đời ở một nước nông nghiệp lạc hậu, thuộc địa, nửa phong kiến như Đảng ta. Bởi vậy, trong suốt quá trình lãnh đạo, rèn luyện Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên các cấp của Đảng, Chính phủ và đoàn thể phải chỉnh đốn tác phong công tác, phong cách và lề lối làm việc. Người yêu cầu cán bộ từ Trung ương tới cơ sở “cần phải thường xuyên đi kiểm tra và giải quyết công việc tại chỗ, phải chống bệnh giấy tờ, hội họp nhiều, đi kiểm tra giúp đỡ ít ...”(3); làm việc gì cũng phải có tổ chức tốt, lãnh đạo phải sâu sát thực tế; lề lối làm việc phải dân chủ, cấp trên phải thường xuyên kiểm tra cấp dưới, cấp dưới phải phê bình cấp trên.

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao được sức chiến đấu, bộ máy Nhà nước trong sạch, thực sự của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; nâng cao được hiệu lực quản lý của Nhà, thì sẽ được lòng dân. Đảng vì dân, dân tin ở Đảng, ra sức góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh và bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ chế độ. Đó là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới./.

--------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12, Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, tr. 510.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, tr. 261.

(3) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12, Nxb CTQG, Hà Nội 2000, tr.20.

 

             Thượng tướng, Viện sĩ, TS Nguyễn Huy Hiệu - nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website