Học Bác từ những tấm gương bình dị, gần gũi ngay trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp

Cậu học trò với tinh thần thép

Câu chuyện “Trịnh Văn Những - Tuổi trẻ thế hệ Hồ Chí Minh” do thí sinh Trương Thị Diễm My (Đảng bộ Sở Giáo dục và Đào tạo) kể đã tạo nhiều cảm xúc khó tả đối với những người có mặt tại hội thi. Chuyện kể về em Trịnh Văn Những- học sinh lớp 12 chuyên Lý Trường THPT Chuyên Nguyễn Chí Thanh đã vượt qua nhiều biến cố của cuộc sống để trở thành người con ngoan, trò giỏi, được thầy cô tin yêu, bạn bè quý mến.

Những sinh ra trong gia đình có đầy đủ tình yêu thương của bố, mẹ, tuổi thơ dù thiếu thốn về vật chất, nhưng luôn ngập tràn niềm vui, tiếng cười. Vậy mà chỉ được vỏn vẹn 6 năm thôi, sau đó những tai ương nối tiếp nhau bắt đầu rơi xuống gia đình Những.

 

 Câu chuyện “Trịnh Văn Những - Tuổi trẻ thế hệ Hồ Chí Minh”
do thí sinh Trương Thị Diễm My kể đã đạt giải nhất tại Hội thi

Khi Những được 6 tuổi cũng là lúc mẹ của em bệnh nặng qua đời. Tưởng rằng sống với bố thì nỗi buồn mất mẹ sẽ dần nguôi ngoai, vậy nhưng khi lên 8 tuổi, em lại một lần nữa chứng kiến bố mình qua đời do bệnh tật. Thương cảm cho hoàn cảnh mồ côi của Những, một người bạn của bố em đã nhận em về nuôi, cho đi học và coi như chính con đẻ của mình. Tình yêu thương, nguồn động viên của người mẹ thứ hai này đã giúp Những dần vơi đi nỗi buồn và luôn nỗ lực đạt thành tích cao trong học tập.

Rồi cũng chỉ vài năm thôi, Những lại một lần nữa đương đầu với biến cố mới. Năm 13 tuổi, trong một lần phụ mẹ việc nương rẫy, Những không may bị rắn lục cắn. Em may mắn được cứu sống, nhưng cánh tay phải thì không thể hồi phục, gần như bị tê liệt hoàn toàn. Nỗi đau này chưa vơi, nỗi buồn khác lại ập tới, tưởng sẽ nhấn chìm ước mơ đến trường của em. Vậy nhưng vượt lên trên tất cả, Những không đầu hàng số phận mà quyết tâm luyện viết bằng tay trái để có thể đến trường học chữ, tiếp tục thực hiện ước mơ của mình. Những ngày đầu luyện viết, tay luôn nhức mỏi, đau ê ẩm, nhưng bằng nghị lực phi thường, Những đã luyện thành công.

Vài năm sau, Những đã thi đậu vào Trường THPT chuyên Nguyễn Chí Thanh, trở thành thành viên đội tuyển học sinh giỏi Vật lý và đạt những giải thưởng cao như 2 Huy chương vàng kỳ thi Olympic cấp tỉnh; giải khuyến khích Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học ở môn Vật lý. Bên cạnh đó, Những còn tham gia nhiệt tình các hoạt động của Đoàn trường. Em còn vinh dự được Tổ chức Khoa học và gặp gỡ Việt Nam trao tặng “Học bổng Valiet” và Báo Tuổi trẻ TP. Hồ Chí Minh trao tặng học bổng “Ngăn dòng bỏ học”.

Chị Diễm My cho biết: “Câu chuyện của cậu học trò Trịnh Văn Những đã giúp tôi hiểu rằng, người thầy không chỉ là người truyền thụ tri thức mà còn là người cầm tay, mở ra trí tuệ và chạm đến trái tim. Bản thân tôi cũng luôn nhắc nhở mình phải sống và cống hiến hết mình, không chỉ sống một cuộc đời đẹp nhất, mà còn phải biết truyền cảm hứng để dệt nên những con người đẹp nhất như lời Bác căn dặn”.

Mỗi câu chuyện kể là một tấm gương sáng

Theo đồng chí Nguyễn Văn Dự, Phó Bí thư Đảng ủy Khối, 20 câu chuyện được kể tại hội thi đều là những tấm gương điển hình có thật, đang sinh sống, công tác, lao động trên địa bàn tỉnh. Các gương điển hình được kể đa dạng về nội dung, hình thức, cách làm từ cán bộ lãnh đạo, quản lý cho đến công nhân, người lao động. Dù ở cương vị, lĩnh vực nào họ cũng đều nỗ lực cố gắng hết lòng hết sức, tận tâm, trách nhiệm vì công việc, tích cực trong các phong trào hoạt động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, cơ quan văn hóa, đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn…

Mỗi câu chuyện được kể đều là bài học quý, xúc động lòng người và giàu giá trị nhân văn sâu sắc. Như chuyện về anh nông dân Điểu Tam ở TP. Gia Nghĩa dù cuộc sống không mấy khá giả, nhưng sẵn sàng hiến đất xây nhà cộng đồng, trường học; đội ngũ cán bộ y, bác sĩ sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân trong phòng, chống dịch Covid-19; hay những anh công nhân ngành điện luôn nỗ lực vượt qua khó khăn để mang ánh sáng đến những vùng sâu, vùng xa…

Bác đã từng nói “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Do đó, học Bác không cần phải ở đâu xa, hay lớn lao mà học chính từ những tấm gương bình dị, gần gũi ngay trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp của mình. Đó là cách học thực tế nhất, hiệu quả nhất và thấy rõ nhất.

Hội thi cũng không ngoài mục đích góp phần biểu dương và nhân rộng những điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt, tạo chuyển biến, lan tỏa mạnh mẽ về ý thức tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên và công nhân, viên chức, người lao động.

 

Bài, ảnh: Hoàng Bảo

Theo http://baodaknong.org.vn

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website