Đẩy mạnh các phong trào thi đua theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Tây Ninh: Nâng cao nhận thức của các cấp, ngành về vai trò công tác thi đua

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua; và những người thi đua là những người yêu nước nhất”, lãnh đạo tỉnh luôn xem trọng công tác thi đua khen thưởng xem đó là động lực, là đòn bẩy để khuyến khích, động viên các tập thể, cá nhân trong toàn tỉnh quyết tâm, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Các ngành, địa phương đã có sự chuyển biến trong nhận thức về tính chất, vai trò quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng đối với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của địa phương.

Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã chỉ đạo, triển khai thực hiện các phong trào thi đua yêu nước do Trung ương phát động như “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới“, “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau“, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển“, “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hoá công sở“ phù hợp với đặc điểm, tình hình của tỉnh...

 

 Trao tặng Bằng khen của UBND tỉnh Tây Ninh cho các tập thể,
cá nhân tiêu biểu ngành giáo dục và đào tạo. Ảnh: laodong.vn

Ngoài ra, UBND tỉnh còn phát động nhiều phong trào thi đua trên tất cả các lĩnh vực. Các phong trào thi đua đã được các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, địa phương trong tỉnh hưởng ứng mạnh mẽ, qua các phong trào thi đua đã khơi dậy mặt tích cực, ý chí vươn lên, phát huy những phẩm chất, đạo đức tốt đẹp để cống hiến, lao động, học tập, nghiên cứu khoa học và công tác; tích cực đấu tranh tự phê bình và phê bình, chống lại các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, phòng chống và đẩy lùi các tệ nạn xã hội.

Thông qua các phong trào thi đua, nhiều vấn đề quan trọng, nổi cộm, bức xúc đã được giải quyết, nhiều công trình, mô hình được xây dựng, đời sống nhân dân được nâng lên, an sinh xã hội từng bước được đảm bảo, dân chủ cơ sở được phát huy.

Công tác thi đua Khối ngày càng được chú trọng, hoạt động đi vào nền nếp. Trên địa bàn tỉnh hiện có 154 Khối Thi đua, hoạt động của các Khối Thi đua mang lại hiệu quả thiết thực. Các Khối Thi đua trên địa bàn tỉnh đã ký kết giao ước thi đua trên cơ sở chỉ tiêu, kế hoạch nhiệm vụ của từng cấp, từng ngành, địa phương với những nội dung, tiêu chí thi đua thiết thực, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao; tạo điều kiện trao đổi, phổ biến, học tập các mô hình, điển hình tiên tiến lẫn nhau, hỗ trợ nhau cùng phát triển.

Qua các phong trào thi đua, các Khối Thi đua đã tổ chức đánh giá, tổng kết công tác thi đua, khen thưởng, bình xét, suy tôn đề nghị khen thưởng bảo đảm được tính công khai, dân chủ, đúng thành tích, có nhiều chuyển biến tích cực, việc đăng ký danh hiệu thi đua theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng đã được các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc. Công tác khen thưởng kịp thời động viên, khuyến khích tinh thần hăng hái thi đua lập công của các tập thể, cá nhân trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội, nhằm ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần xây dựng và phát triển địa phương, đơn vị.

Lai Châu: Tập trung triển khai các phong trào thi đua trọng tâm

Giai đoạn 2015 - 2020, tỉnh Lai Châu đã triển khai 4 phong trào thi đua trọng tâm là: Phong trào thi đua "Nhân dân các dân tộc Lai Châu chung sức xây dựng nông thôn mới"; “Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau”; “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển” và Phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”.

Hưởng ứng phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1054/KH-UBND ngày 13/6/2017 về tổ chức Phong trào thi đua "Lai Châu chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" giai đoạn 2016-2020. 100% các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua, trong đó đề ra các nội dung, giải pháp giảm nghèo phù hợp với tình hình thực tế của địa phương hoặc có giải pháp, chương trình, hoạt động cụ thể hỗ trợ các hộ nghèo trên địa bàn tỉnh. Với sự vào cuộc, tham gia tích cực của các cấp, các ngành, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế và đông đảo tầng lớp Nhân dân, công tác giảm nghèo đã có những chuyển biến tích cực góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, bình quân 4,75%/năm.

Đối với Phong trào thi đua “Nhân dân các dân tộc Lai Châu chung sức xây dựng nông thôn mới”, người dân đã tự nguyện hiến được 914.368m2 đất, 65.671 ngày công lao động và gần 3 tỷ đồng... Thành phố Lai Châu được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2019; huyện Tân Uyên và trên 40% xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020. Tỉnh Lai Châu và thành phố Lai Châu được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba… góp phần không nhỏ vào những kết quả đạt được của phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” trong cả nước.

Để góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp ngày càng phát triển, mang lại nhiều lợi nhuận và giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 2069/KH-UBND ngày 09/11/2017 về tổ chức Phong trào thi đua “Doanh nghiệp Lai Châu hội nhập và phát triển” giai đoạn 2017-2020. Phong trào đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp, tạo việc làm cho người lao động, sản xuất nhiều của cải, vật chất cho xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Lai Châu thi đua thực hiện văn hóa công sở” vào tháng 6/2019, Lai Châu là một trong 6 tỉnh đầu tiên của cả nước đã tổ chức Lễ phát động phong trào thi đua này. 100% cơ quan, đơn vị, địa phương đã xây dựng kế hoạch thực hiện và bước đầu đã đạt được kết quả tích cực, tạo chuyển biến tốt trong nhận thức và hành động của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Phong trào thi đua thực sự là động lực để phát huy vai trò tích cực, quan trọng của đội ngũ công chức, viên chức và người lao động trong việc xây dựng nền hành chính văn minh, hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu lực và hiệu quả.

Quảng Trị: Phát động phong trào thi đua gắn với thực tiễn địa phương

Giai đoạn 2015- 2020, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Quảng Trị luôn coi trọng và đặc biệt quan tâm chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai, tổ chức phong trào thi đua yêu nước, chú trọng đổi mới nội dung, phương thức tổ chức thực hiện phong trào thi đua trên địa bàn tỉnh, xem phong trào thi đua yêu nước là động lực then chốt nhằm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các phong trào thi đua đã bám sát nhiệm vụ chính trị của từng ngành, địa phương, đơn vị, thiết thực và phù hợp.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Lê Quang Tùng tặng Huân chương hạng Lao động hạng Nhất cho ba cá nhân tại Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Quảng Trị lần thứ V. Ảnh: Lâm Quang Huy

Phong trào thi đua yêu nước được các cấp, ngành, toàn thể nhân dân sôi nổi thực hiện, nổi bật ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn triển khai quyết liệt, sâu rộng từ tỉnh đến cơ sở, tạo động lực, khí thế thi đua trong toàn ngành và nhân dân, các doanh nghiệp chung sức thực hiện thành công đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Trong nội dung thi đua xây dựng nông thôn mới, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, công trình phúc lợi được quan tâm chỉ đạo quyết liệt, sâu sát, với nhiều cơ chế chính sách linh hoạt, nhiều cách làm hay, sáng tạo, đã chú trọng huy động, lồng ghép nguồn lực trong nhân dân, nguồn xã hội hóa để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu phục vụ phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân. Vai trò tích cực, chủ động của tổ chức Đảng, mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội ở thôn, xã cùng với vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới, gắn với thực hiện chủ trương “Ngày thứ Bảy vì nông thôn mới ” được phát huy hiệu quả. Đến nay toàn tỉnh có 68 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ 51,2%, vượt kế hoạch đề ra; có nhiều xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và Cam Lộ trở thành huyện đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Quảng Trị.

Trên lĩnh vực đời sống xã hội, công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo, chăm sóc người có công, bảo đảm an sinh xã hội được thực hiện tốt và huy động được sự tham gia của toàn xã hội. Triển khai có hiệu quả chương trình giải quyết việc làm, tạo được sự đột phá trong xuất khẩu lao động. Quan tâm thực hiện các chính sách hỗ trợ ổn định đời sống, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho nhân dân vùng bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển. 5 năm qua, tỉnh đã tạo việc làm mới cho gần 60 nghìn lao động, đạt 124,63% kế hoạch, bình quân mỗi năm tạo việc làm mới cho gần 12 nghìn lao động, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị giảm 3,7% xuống còn 2,7%.

Công tác giảm nghèo bền vững được quan tâm chỉ đạo với các giải pháp phù hợp, giảm từ 15,43% xuống còn 6,43%, giảm bình quân 1,8%/năm. Phong trào đền ơn đáp nghĩa, xây dựng, ủng hộ quỹ đền ơn đáp nghĩa được phát động mạnh mẽ, gắn với phong trào: “Cả nước chung tay vì người nghèo-không để ai bị bỏ lại phía sau”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, góp phần giảm nghèo và nâng cao mức sống cho các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn... 

Từ các phong trào đã phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân, xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến ở nhiều lĩnh vực, biểu hiện sinh động cho ý chí vươn lên, tự lực tự cường, dám nghĩ dám làm, đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh, tăng cường mở rộng đối ngoại, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị khóa XVI./.

Tú Anh (th)

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website