Bác Hồ với “đội quân sản xuất”

Thủ tướng Chính phủ trao Huân chương Độc lập Hạng nhất cho Tập đoàn Viettel

Từ tuy duy kinh tế gắn với bảo vệ Tổ quốc...

Trong bài “Gửi các nhà nông” năm 1945, Bác chỉ rõ: “Vì cứu quốc, các chiến sỹ đấu tranh ở ngoài mặt trận, vì kiến quốc nhà nông phấn đấu ngoài đồng ruộng. Chiến sỹ ra sức giữ gìn đất nước. Nhà nông ra sức giúp đỡ chiến sỹ. Hai bên công việc khác nhau nhưng thật ra là hợp tác. Cho nên hai bên đều có công với dân tộc, đều là anh hùng”(2).

Năm 1946, trong bài viết: “Câu hỏi và trả lời” ngày 23 tháng Chạp, bằng những lời lẽ giản dị dễ hiểu, Bác Hồ đã chỉ ra rằng, nhiệm vụ chiến đấu hy sinh bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ trực tiếp của các chiến sỹ ngoài chiến trường, còn đồng bào ở hậu phương tăng gia sản xuất, xây dựng, phát triển kinh tế cũng là nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc (3).

Vào tháng 4 năm 1948, trong “Thư gửi Hội nghị dân quân toàn quốc”, Bác Hồ yêu cầu lực lượng vũ trang “phải thực hành tự cấp tự túc bằng cách thiết thực tăng gia sản xuất”(4). Trong lời huấn thị tại “Hội nghị cung cấp toàn quân lần thứ nhất” (1951), Người nhấn mạnh: “Các cơ quan trong quân đội phải cố sức trồng trọt chăn nuôi để tự túc phần nào, để giảm bớt gánh nặng của nhân dân. Tuy công việc chuyên môn vẫn là chính, nhưng phải cố sức tăng gia. Bộ đội đánh thắng giặc thu nhiều chiến lợi phẩm đấy cũng là tăng gia”(5).

Đến năm 1952, trong bài “Thực hiện tiết kiệm và chống tham ô lãng phí, chống bệnh quan liêu”, Bác lại viết: “Trong các chiến dịch thu được nhiều chiến lợi phẩm (thuốc, đạn, lương thực, súng ống). Bộ đội biết quý trọng nó, tiết kiệm nó mà đánh lại giặc như thế cũng là tăng gia sản xuất”(6).

Sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc vào tháng 3/1958, trong bài nói chuyện về nhiệm vụ sản xuất của đơn vị X. Người nói: “Hiện nay quân đội ta có hai nhiệm vụ chính. Một là, xây dựng quân đội hùng mạnh sẵn sàng chiến đấu. Hai là, tăng gia sản xuất cùng toàn dân để tiến lên CNXH. Tham gia sản xuất là nhiệm vụ vẻ vang mà Đảng và Chính phủ giao cho quân đội. Thực hiện nhiệm vụ đó có khó khăn, nhưng khó khăn là tạm thời, thuận lợi là căn bản, phải phát triển thuận lợi và khắc phục khó khăn”(7).

Đến học tập và làm theo lời Bác...

Thấu suốt lời dạy của Bác, ngay sau khi kháng chiến chống Pháp thắng lợi, ngày 23/8/1956, Bộ Quốc phòng đã thành lập Cục Nông binh và chuyển 8 vạn quân sang làm nhiệm vụ sản xuất, xây dựng 29 nông trường quân đội trên các địa bàn như: Mộc Châu, Điện Biên, Đông Hiếu… và xây dựng các nhà máy tại khu công nghiệp Thái Nguyên, Việt Trì...

Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc (30/4/1975), Bộ Quốc phòng lại điều gần 28 vạn quân sang làm kinh tế và Nhà nước cho phép thành lập Tổng cục Xây dựng kinh tế để chỉ đạo “đội quân sản xuất” này.

Ngày 31/7/1998, Bộ Quốc phòng lại triển khai xây dựng các khu Kinh tế- Quốc phòng (KT-QP), sau hơn 20 năm phát triển, các khu KT-QP đã góp phần tạo nên diện mạo mới về kinh tế, một thế trận bền vững về QP-AN trên các địa bàn chiến lược dọc biên giới trên bộ và chuẩn bị xây dựng thí điểm ở trên các vùng biên giới biển, đảo của Tổ quốc.

“Đội quân sản xuất” đã được tổ chức theo mô hình doanh nghiệp và cũng đã xác lập được vị thế, tạo dựng được uy tín trên thương trường, tích cực tham gia vào những lĩnh vực, những ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước như: Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Tổng công ty Trực thăng Việt Nam, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, Tổng công ty xây dựng Trường Sơn, Tổng công ty 15, Tổng công ty 319…

Tập đoàn Viettel đã vươn lên cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp khác, trở thành nhà cung cấp dịch vụ viễn thông phát triển nhanh nhất, đang vươn sang các thị trường khu vực và thế giới. Năm 2018 tổng doanh thu đạt hơn 234 nghìn tỷ đồng, chiếm 60% tổng doanh thu toàn ngành; năm 2019 dự kiến tăng trưởng 7,3% so với năm ngoái, dự kiến nộp ngân sách 38.100 tỷ đồng(8).

Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, tăng trưởng bình quân trên 20%/năm; tổng doanh thu trên 160.000 tỷ đồng, tổng lợi nhuận trên 23.000 tỷ đồng, nộp ngân sách trên 9.000 tỷ đồng; từ vốn chủ sở hữu ban đầu là 14 tỷ đồng (1989) đã tăng lên 16.402 tỷ đồng; tổng tài sản trên 26.000 tỷ đồng, giá trị vốn hóa thị trường trên 40.000 tỷ đồng(9).

Tổng công ty Bay dịch vụ, hoạt động nội địa và và quốc tế như: Thăm dò, khai thác dầu khí; tìm kiếm người Mỹ mất tích; dịch vụ du lịch; hoạt động quân sự, chuyên cơ, cứu hộ, cứu nạn, cấp cứu y tế; sửa chữa, đại tu, cung cấp vật tư khí tài trực thăng; huấn luyện, đào tạo phi công... Bay dịch vụ dầu khí cho Na Uy, Malaysia, Đông Timo, Ấn Độ; cứu hỏa cho Indonesia. Tổng công ty đã được Nhà nước tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng nhất(10).

Trong quá trình đổi mới cơ cấu doanh nghiệp, Bộ Quốc phòng đã và đang cổ phần hoá các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, duy trì 90 doanh nghiệp có vai trò nòng cốt trong CNQP, trong đó có Viettel, 17 tổng công ty, 72 công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Đồng thời, duy trì 69 doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước là công ty con của các doanh nghiệp hoạt động theo hình thức công ty mẹ–công ty con thuộc Bộ Quốc phòng.

Trong thời kỳ mới, “đội quân sản xuất” cũng đã có các doanh nghiệp mũi nhọn đi tiên phong trong tiếp cận CMCN 4.0. Viettel hiện đã hoàn thành tích hợp hạ tầng phát sóng mạng 5G tại Hà Nội và ngày 21/9 đã chính thức phát sóng 5G và đưa vào khai thác hạ tầng kết nối internet vạn vật (IoT) tại TP Hồ Chí Minh góp phần đưa Việt Nam trở thành những quốc gia TOP đầu của thế giới trong lĩnh vực quan trọng này.

Trước đó, ngày 1/6, trong lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Viettel (1/6/1989-1/6/2019), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu đến năm 2025, Viettel cần đạt mục tiêu đứng trong nhóm 10 doanh nghiệp viễn thông lớn nhất thế giới. Đến 2045, Viettel đứng trong nhóm các nhà sản xuất công nghệ cao có quy mô công nghiệp. “Viettel cần vươn lên sánh vai, vượt ra so với Huawei, ZTE, Ericsson, Google, Facebook, Samsung”(11).

Thời gian qua đi, tình hình trong nước và quốc tế đã có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, tư duy Hồ Chí Minh về phát triển kinh tế gắn với bảo vệ Tổ quốc vẫn là tài sản quý báu, là truyền thống của dân tộc, phản ánh quy luật phổ biến trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Vì thế, tư duy của Bác mãi mãi vẫn là những giá trị tinh thần, những nguyên lý chỉ đạo hành động thực tiễn của Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân ta trong thời kỳ mới./.                                     

-----------------------

1) https://www.qdnd.vn: Đội quân chiến đấu, công tác và sản xuất. 15/9/2014

2) Tài liệu đã dẫn, số 2, tr 221

3) Tài liệu lưu trữ của Viện Bảo tàng quân đội, số đăng ký HCT 136-4707

4) Tài liệu đã dẫn, số 8, tr 20, 204

5) Tài liệu đã dẫn, số 8, tr 55, 56

6) Hồ Chí Minh, tuyển tập, NXB Sự thật, HN 1960, tr 413

7) Tài liệu đã dẫn, số 9, tr 26 và 206

8) https://vietnambiz.vn: Viettel đạt doanh thu từ viễn thông là 64.954 tỷ đồng, cán mốc 63,9 triệu thuê bao di động. 21/01/2019

9) https://tuyengiaokontum.org.vn: Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn: Kỷ niệm 30 năm Ngày truyền thống và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. 16/3/2019

10) http://phongkhongkhongquan.vn: Binh đoàn 18 kỷ niệm 30 năm ngày truyền thống và đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng nhất. 2/6/2019

11) https://tinviettoday.vn: Thủ tướng: Viettel cần vươn lên sánh vai với Huawei, Google, Facebook, Samsung... 3/6/2019

 

Nguyễn Nhâm

 

 

 

 

 

 

 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website