Tinh thần Hồ Chí Minh ở Mỹ Latinh
Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt trong Công viên “Tự do cho các dân tộc” tại Trung tâm lịch sử củaThủ đô Mêhicô, ảnh Lễ khánh thành ngày 16/1/2009. (Nguồn: Bảo tàng Hồ Chí Minh)

Với một đại dương cách trở, cái ngày 2-9 ấy đã khiến lòng chúng tôi vô cùng đau đớn vì đã mất đi một người Thầy mẫu mực. Vâng, bởi vì Hồ Chí Minh không chỉ là một vị lãnh tụ xuất chúng của dân tộc mình, một yếu nhân của quá trình phi thực dân hóa trong thế kỷ XX mà đặc biệt Người còn là một người Thầy vĩ đại trong môn học giành tự do cho các dân tộc. Là người Thầy trong nghề sư phạm giành tự do - chủ đề chính của tất cả các nền văn hóa và là mục tiêu đầu tiên của nhân loại.

Hồ Chí Minh là người Thầy, cũng như Ximôn Bôliva (Simón Bolívar) và Hôxê Mácti (José Martí) từng là những người thầy ở Châu Mỹ của chúng tôi. Lý tưởng của các vị ấy đã nêu bật sự đối xứng giữa tự do và công lý, giữa phẩm giá và chủ quyền trong cuộc đấu tranh vì cách mạng giải phóng dân tộc, hướng tới mục tiêu giải phóng xã hội và xây dựng một trật tự mới. Trong tư tưởng của Bôliva (Bolivar) không thể có giải phóng nếu quá trình cách mạng không bao hàm sự giải phóng các tầng lớp quần chúng thất học do bọn áp bức họ áp đặt. Trong tư tưởng của Mácti, tự do và công lý đòi hỏi phải sáng tạo ra một nền văn hóa mới, đủ khả năng tổng kết một cách tốt nhất những kinh nghiệm trong nước và nhân loại để thực hiện sự cải biến sâu sắc về kinh tế và xã hội đã được giải phóng.

Thật sáng suốt! Và còn tiết kiệm nhiều từ nữa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã biến niềm tin của mình thành nguyên lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Và Người đã kiên trì biết bao khi nhất quán với nguyên tắc đó để đặt nền móng cho một cương lĩnh dân tộc, phù hợp với thực tiễn phức tạp và bản sắc của Việt Nam, xây đắp khối đoàn kết toàn dân, tôi luyện sự chỉ đạo chiến lược của mình, tổ chức quần chúng, xây dựng quân đội nhân dân, tiến hành kháng chiến, điều chỉnh kinh tế và bắt đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội. Toàn bộ điều đó - chúng ta sẽ có thể nói hôm nay - "trong một thời gian thực sự'' và trong một bối cảnh quốc tế thực sự.

Nhiệm vụ thật nặng nề! Ở một địa hình của nước Việt Nam quanh co hình chữ S, từ đỉnh Phanxipăng đến các đồng bằng duyên hải, với một lịch sử nghìn năm (còn đó những di chỉ khảo cổ của các nền văn hóa Đông Sơn, Hòa Bình, Bắc Sơn, Buôn Rau, Hà Tiên, Krôngpắc...) và một sự đa dạng văn hóa hết sức phong phú, với hàng trăm dân tộc, thổ ngữ, truyền thống. Với những tôn giáo của các dân tộc thiểu số, của Phật giáo, Ấn Độ giáo, Cơ đốc giáo, Hồi giáo... Một đất nước chậm phát triển với 90% là nông dân nghèo từng gánh chịu nạn đói kinh niên.

Thật kiên cường ý chí của nước Việt Nam từng bị Pháp đô hộ thô bạo trong 80 năm ròng và sau đó lại bị Nhật chiếm đóng trong Chiến tranh thế giới lần thứ II. Một đất nước còn biết bao tàn dư phong kiến và còn ở trong thời tiền tư bản chủ nghĩa, nhưng tài nguyên thiên nhiên thì giàu có và hấp dẫn (không chỉ là cao su, than đá, phốtpho, mănggan, thiếc, dầu lửa, khí đốt, bôxít, kể cả uranium). Nước Việt Nam của ông hoàng Bảo Đại và của triều Nguyễn thối nát. Một đất nước mà quân viễn chinh Pháp đã trở lại xâm chiếm vào năm 1946 để rồi bị đánh bại ở Điện Biên Phủ sau chín năm chiến tranh và sau này Mỹ và một số đồng minh của Mỹ đã can thiệp dưới cái cớ bảo vệ "nền dân chủ phương Tây'' của bè lũ quân phiệt do CIA dựng nên tại Sài Gòn.

Trong khung cảnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh, người Thầy, vị giáo sư của phép biện chứng, với một ngôn ngữ giản dị và hiệu nghiệm, đã phân tích và giảng giải, thuyết phục để chiến thắng và đã thể hiện một đức tính thuộc về bản chất của nhà cách mạng. Người đã dạy một nguyên lý để cộng các ý chí lại, những ý chí yêu nước nhằm thực hiện nhiệm vụ đầu tiên là cứu quốc. Và phép cộng đó không phải cái gì khác là chính sách đoàn kết, đưa đến sự ra đời của Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội, một Việt Minh huyền thoại, tổ chức trụ cột và là công cụ không thể thiếu được để hun đúc nên khối đoàn kết toàn dân.

Hun đúc khối đoàn kết toàn dân. Nói thì nghe dễ lắm. Hồ Chí Minh đã biết rõ, hiểu rất rõ đây là bước đầu tiên. Và chính sự sáng suốt chính trị ấy, sự nhất quán về tư tưởng, sự kiên trì và lòng tin vào quần chúng đã cho phép Người đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, rồi kêu gọi nhân dân đứng lên bảo vệ nền độc lập ấy. Và cứ như thế, vượt qua một số luận điểm được thần thánh hóa, lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại, một Đảng Cộng sản (chỉ mới được lập ra 15 năm trước đó) đã giành được chính quyền ở một nước thuộc địa. Thật là trêu ngươi! Việc gì mà phải đợi cho đến khi xuất hiện cuộc Cách mạng ở nước Mẫu quốc công nghiệp.

Đừng quên rằng trong một thời gian dài, đối với nhiều nhà lý luận Châu Âu không thể nào có thể nghĩ tới một cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở những nước thuộc địa hoặc bị thực dân hóa. Theo họ thì nhất thiết phải làm cách mạng dân chủ tư sản trước đã. Họ hoàn toàn trao vai chính vào tầng lớp vô sản công nghiệp và vào những điều kiện kinh tế - xã hội nhất định. Theo họ thì không thể nào hình dung nổi một cuộc cách mạng ở một nước bị thực dân hóa, với những tàn dư phong kiến và một nhà nước đàn áp vốn là đồng minh của đế quốc. C.Mác đã từng viết về các cuộc chiến tranh của nông dân, nhưng Người chưa đi sâu vào chủ đề này. V.I.Lênin thì kêu gọi liên minh công - nông. Song, theo Quốc tế II và các chính đảng dân chủ xã hội, mà đa phần đều nghiêng theo quan điểm trung dung của Châu Âu là cần phải làm sao để đội quân vô sản công nghiệp trở thành số đông trong dân cư các nước rồi hẵng nghĩ tới cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Hồ Chí Minh, với tầm nhìn mang tính giác ngộ, đoàn kết và tập hợp lực lượng, với một niềm tin vào chủ nghĩa yêu nước lịch sử của quần chúng và vào sở trường tự do của mình. Người đã dạy "làm chính trị'' với sự tham gia tích cực và có tổ chức của toàn dân. Chính vì lẽ đó, đối với những người cách mạng và những nhà đấu tranh xã hội trên toàn thế giới, tấm gương đấu tranh của nhân dân Việt Nam luôn luôn gắn liền với tầm nhìn xa của Hồ Chí Minh.

Người Thầy có tầm nhìn xa, với thiên bẩm chính trị được nảy sinh từ mối quan hệ gắn bó với người dân và nhận thức nhạy bén trước những nguyện vọng của nhân dân. Tình yêu Tổ quốc và đồng bào luôn hiện hữu trong từng cư xử và từng nỗi trăn trở của Người: “Mang lại hạnh phúc cho nhân dân”. Như vị sáng lập ra Đảng Cộng sản Italia Antôniô Gramsi (Antonio Grammsi) từng nói, Người là "nhà cách mạng toàn diện", có khả năng “gắn kết cuộc đấu tranh vì tự do với tình yêu thương con người và những người anh em của mình”.

Gramsi đã không nhầm khi nói đến tình yêu như là một phẩm chất cách mạng. Nhưng chúng ta cũng nhớ tới con người từng nói rằng: Nếu như anh yêu mà không đánh thức được tình yêu, nghĩa là nếu tình yêu của anh, chỉ riêng tình yêu thôi, mà không sản sinh ra tình yêu hai chiều, qua cái vẻ bề ngoài như là một người đang yêu mà không được đáp lại, thì tình yêu của anh là thứ tình yêu bất lực, là một nỗi bất hạnh. Đây là một suy nghĩ tuyệt vời của C.Mác viết trong Bản thảo Kinh tế - Triết học năm 1844, các điều đã thành hiện thực trong công việc thường nhật của người Thầy Hồ Chí Minh.

Hôxê Mácti không viết nhiều về điều này, vì chắc chắn những điều cấp bách của ông là những việc khác. Tuy vậy, chỉ trong một câu thôi, ông cũng đã để lộ rõ ý mình về điều đó: Chủ nghĩa yêu nước ông đã nói không gì khác đó chính là tình yêu.

Ngày hôm nay, Mỹ Latinh đang sống trong thời đại của những nền dân chủ hợp hiến sau nhiều thập kỷ sống dai đẳng dưới các nền độc tài quân sự tàn bạo, các chế độ chuyên phục vụ cho các tập đoàn thống trị trong nước gắn với chính sách đế quốc của Mỹ. Mỹ Latinh cũng đã từng nếm trải thảm họa của những nền độc tài khủng khiếp trong thế kỷ thứ XIX, gắn liền với những cuộc can thiệp quân sự của Hoa Kỳ, đầu tiên là tại Mêhicô và Cuba, tiếp đến là Trung Mỹ, Panama và Caribê.

Các phong trào dân chủ và nhân dân ở đây luôn luôn nằm trong tầm ngắm của chính sách đối ngoại của Nhà Trắng. Chúng ta hãy nhớ lại sự áp đặt của tên độc tài Truhigiô (Trujillo) tại Cộng hòa Đôminica năm 1930. Chúng ta cần nhớ lại cuộc cách mạng vĩ đại đầu tiên của En Xanvađo (El Salvador) năm 1932 và vụ xử bắn Pharabunđô Mácti (Farabundo Marti). Vào tháng 6-1932 đó, xuất hiện tại Chilê - nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa do Mácmađuke Grôve (Marmaduke Grove) tuyên bố và đã bị các lực lượng phản động đàn áp chỉ sau một thời gian ngắn tồn tại. Một chính phủ phátxít mới mọc lên đã phát động chiến dịch truy sát các nhà đấu tranh xã hội chủ nghĩa và nhà tù tràn ngập đất nước. Một thầy thuốc trẻ, bác sĩ Xanvađo Agienđê (Salvador Allende) đã bị cầm tù trong đó. Nhưng đây không phải là những sự kiện chỉ xảy ra riêng biệt ở Mỹ Latinh. Những việc như thế, cũng đã đồng thời xảy ra khi quân đội thực dân Pháp đàn áp những làng nông dân Việt Nam đầu tiên và trong thập niên đó, lực lượng không quân của thực dân Anh đã dập tắt cuộc khởi nghĩa của nông dân An Huxâyni (Al Husseini) ở Paléxtin. Chúng ta nhớ rằng trong chính thời kỳ này, đã diễn ra cuộc chiến đấu của Augúxtô Xêxa Xanđinô (Augusto Cesar Sandino) và vụ sát hại ông vào năm 1934.

Chúng ta nhớ lại rằng, chính tướng Anáxtaxiô Xômôxa Gácxia (Anastasio Somoza Garcia), tên đao phủ sát hại ông, đã thừa nhận là hắn đã nhận lệnh giết Xanđinô từ tay vị Đại sứ Hoa Kỳ Áctơ Blitsơ Lennơ (Arthur Bliss Lane).

Năm 1946, sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam, thì Hoa Kỳ khai trương tại Panama cái gọi là "Trường Châu Mỹ'', nhằm đào tạo về tư tưởng cho các quân nhân ở châu lục. Họ lập ra Trường Quân sự Mỹ Latinh, nhằm ngăn chặn nền độc lập và bước tiến cách mạng ở Tây Bán cầu. Họ bắt đầu đào tạo ra những tên độc tài tương lai của Áchentina, Braxin, Urugoay, Bôlivia, Chilê, Côlômbia, Trung Mỹ và Caribê.

Vào năm 1952, trong lúc phong trào cách mạng Việt Nam chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công vào các lực lượng chiếm đóng Pháp, được Tổng thống Mỹ Đớt Aixenhao (Dwight Eisenhower) ủng hộ, thì vị ngoại trưởng của ông ta là Giôn Phốttơ Đalét (John Foster Dulles) đang chuẩn bị cho cuộc can thiệp của Mỹ vào Guatêmala chống lại Chính phủ nhân dân của Hacôbô Ácben (Jacobo Arbenz).

Những năm cuối cùng của các thập niên 1940 và 1950, khi Chiến tranh lạnh ở giai đoạn cao trào, thì đối với các dân tộc Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ Latinh, đó là những năm tháng đầy khó khăn. Tuy nhiên, bóng đêm lịch sử đã được một số sự kiện tuyệt vời soi sáng. Đó là những cuộc đấu tranh chống thực dân và giải phóng dân tộc đã đưa ra vũ đài thế giới những sự kiện không thể đảo ngược: Thất bại của cường quốc thực dân Anh ở Ấn Độ, sự ra đời của nước Trung Hoa như là một quốc gia độc lập hùng mạnh, sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ, cuộc đấu tranh vì độc lập của nhân dân Angiêri, sự tan rã của nền quân chủ và việc quốc hữu hóa kênh đào Xuy-ê ở Ai Cập, sự mở đầu cuộc đấu tranh của An Phata ở Paléxtin và thắng lợi của Phong trào cách mạng ở Cuba.

Ở Mỹ Latinh, ảnh hưởng của cách mạng Cuba thành công trong các phong trào nhân dân và trong tầng lớp thanh niên đã làm thay đổi cục diện chính trị của khu vực trong những năm 1960, củng cố niềm tin rằng cuộc cách mạng tại các nước gọi là rất cần thiết và có thể. Và để làm điều đó thì đấu tranh vũ trang trở thành điều tối cần thiết. Xuất hiện một lực lượng cánh tả dân tộc đi theo mục tiêu giành chính quyền, sẵn sàng xác định lại lập trường, quan điểm và tiến hành những cuộc chiến lớn. Trong tất cả các nước chúng tôi, cuộc chiến đấu chống lại các tập đoàn thống trị và các ông chủ của nó đã diễn ra trong những điều kiện vô cùng gian khổ. Và cho dù chúng tôi đã phạm những sai lầm, từ những sự ngẫu hứng cho đến sự kiêu căng quân sự, thì ngày hôm nay tại châu Mỹ Latinh, đã có nhiều chính phủ tiến bộ hơn là những chính phủ đàn áp. Có được điều đó là vì hàng chục nghìn đồng chí chúng tôi đã bền bỉ chiến đấu vì tự do, công bằng xã hội và chủ quyền quốc gia.

Chẳng cần phải bình luận về những nét tương tự nhau trong các sự kiện diễn ra tại Việt Nam và Mỹ Latinh. Bước vào thập niên 1960, với việc Giôn Kennơđi (John Kennedy) lên cầm quyền cùng vị Bộ trưởng Quốc phòng của mình (đúng ra thì phải gọi là Bộ "Xâm lược'') là Rôbớt Mắc Namara (Robert Mc Namara), sự hiếu chiến quốc tế đã đạt quy mô cao nhất. Mắc Namara là một điển hình lớn về quyền lực của giới đại tư bản. Trước khi trở thành Bộ trưởng Bộ “Xâm lược”, ông ta từng là Chủ tịch Hãng Ford Motor và sau khi làm Bộ trưởng với Kenơđi, ông ta đã giữ chức Chủ tịch Ngân hàng Thế giới.

Hồi đó Hoa Kỳ đã có hơn 50 nghìn lính Mỹ tại miền Nam Việt Nam và Mắc Namara đang chuẩn bị cho cái gọi là “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ''. Song song với sự kiện đó, vào năm 1961, một đội quân lính đánh thuê do Mỹ vũ trang và tài trợ đã xâm lược Cuba và bị đánh bại tại bãi biển Hiron (Giron). Ít lâu sau thất bại của cuộc xâm lược chống Cuba, ta bắt gặp một sự kiện khác được gọi là “Cuộc khủng hoảng tên lửa” (một Vịnh Bắc Bộ đối với Cuba).

Đấu tranh để giải phóng Mỹ Latinh đã có lúc cứ như là một trò phiêu lưu của Đông Kisốt. Ở đấy có Nhà Trắng, có Lầu Năm góc, CIA và các lực lượng vũ trang của các nước khu vực do Mỹ dựng lên thành những tên đao phủ đi chém giết chính nhân dân mình. Và thế là lần lượt diễn ra các cuộc đảo chính quân sự ở Braxin và Bôlivia (1964), Áchentina (1966 và 1976), Êquađo, Pêru và Panama (1968), Urugoay và Chilê (1973). Guatêmala, Hônđurát và En Xanvađo thì phải gánh chịu những nền độc tài triền miên. Còn Nicaragoa, Haiti và Paragoay thì sống rên xiết dưới các chế độ độc tài Xômôxa, Đuvalia (Duvalier) và Xtrốtnơ (Strossner).

Vào năm 1965, Hoa Kỳ, với Giônxơn (Jonson) ở trong Nhà Trắng bắt đầu các cuộc ném bom có hệ thống chống lại miền Bắc Việt Nam và tuyên bố chiến tranh ''chính thức" chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Thế còn ở Mỹ Latinh? Họ xâm lược Cộng hòa Đôminicana... Họ trở lại nước Đôminích mà họ đã xâm lược từ năm 1916, nửa thế kỷ trước đó, lần này là để ngăn chặn việc trở lại cầm quyền của Hoan Bốt (Juan Bohs), một vị Tổng thống dân chủ từng bị các quân nhân tốt nghiệp tại ''Trường Châu Mỹ'' lật đổ. Họ còn gửi các cố vấn quân sự sang tận Guatêmala để đàn áp phong trào nhân dân ở đó. Và năm 1968, họ cử các ''kỹ thuật viên'' sang Bôlivia để tiêu diệt du kích; tìm kiếm và giết hại Êrơnếttô Chê Ghêvara cùng nhóm nhỏ những người du kích của Chê.

Năm 1968, Xanvađo Agienđê đã đến thăm nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và ông đã gặp gỡ với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lúc trở về Chilê, ông đã kể về những ấn tượng của mình. Ông nói rằng, Việt Nam không chỉ là một tấm gương trong đấu tranh, mà còn là, và nhất là một tấm gương về sự giác ngộ chính trị và khối đoàn kết dân tộc. Nhưng không chỉ có thế, Việt Nam còn có một vị lãnh tụ vững chãi, một ban lãnh đạo chính trị đoàn kết xung quanh Chủ tịch Hồ Chí Minh. "Sáng suốt", "đoàn kết'', ''nhất quán", Agienđê đã nói với chúng tôi như vậy khi liên tưởng về Việt Nam. ''Đó là chìa khóa của phong trào cách mạng Việt Nam'', ông nhấn mạnh.

Trong khi ở Mỹ Latinh người ta đấu tranh chống lại các nền độc tài đính chặt với Mỹ, thì Việt Nam là một tấm gương thường trực. Và người Thầy Hồ Chí Minh, một nhà cách mạng mà tấm gương không phải để dùng vào việc sùng bái cá nhân như một số ít người, mà để được mọi người tôn trọng và kính phục. Sự sùng bái nhầm lẫn của các nhân vật chính trị không bao giờ lôi kéo được Hồ Chí Minh chạy theo những thứ vô nghĩa và các thứ ''chủ nghĩa" của họ. Không hề có thứ "chủ nghĩa Hồ Chí Minh'', có chăng đó là sự tôn trọng lớn, ngày càng phổ biến, được dành cho Hồ Chí Minh và nhân dân của Người.

Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời năm 1969, vào đúng năm Níchxơn chuyển vào Nhà Trắng. Níchxơn là một con sói độc ác trong số các con sói chống cộng của chính giới Mỹ; và phong cách của ông ta thì mọi người đã quá rõ. Ông ta vào Nhà Trắng với một thê đội những viện sĩ xuất sắc, mà nhiều người trong số họ đều là cựu chiến binh như ông ta. Thời Níchxơn đã đưa ra thi thố ba vị Bộ trưởng Quốc phòng: Leơ (Laird), Richátxơn (Richardson) và Sơlinhgiơ (Schlesinger); các vị Giám đốc CIA như Cônbai (Colby), Busơ (Bush) và lại cả Sơlinhgiơ (Schlesinger) và một cố vấn ''an ninh quốc gia'' chính là Henri Kítxingiơ (Henry Kissinger). Vâng, họ đều tin rằng, sự ra đi của Hồ Chí Minh có thể sẽ có lợi cho họ, nhưng họ đã nhầm. Công việc của người Thầy đã  được làm sẵn. Người đã không được nhìn chiến thắng cuối cùng, song kết cục của cuộc chiến thì đã được định đoạt; và Việt Nam đã nhận sứ mệnh là nước đầu tiên đánh bại chính sách đế quốc của Mỹ.

Hơn nữa, trong những năm 1970 ấy, bước tiến thắng lợi của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã được tăng cường. Nó đã khẳng định tính chất chính trị thực sự của cuộc chiến. Bởi lẽ đội quân xâm lược, kẻ hùng mạnh nhất thế giới, lại được sự hẫu thuẫn của quân đội Nam Việt Nam do Lầu năm góc dựng lên, huấn luyện và trang bị, dù có những nguồn lực hậu cần vô hạn, một lực lượng không quân với 1.400 máy bay chiến đấu và rất nhiều xe tăng, thiết giáp và pháo binh, và đã hơn ba lần tuyển quân, Mỹ vẫn không thể ngăn chặn được bước tiến của Mặt trận giải phóng.

Trong năm 1969, năm Hồ Chí Minh mất, tại Chilê, Liên minh Nhân dân đã được sáng lập và đã đưa Agienđê lên làm Tổng thống. Vào tháng 5-1969, công nhân và nhân dân Thành phố Coócđôva ở Áchentina đã đứng lên chống độc tài trong một cuộc khởi nghĩa, mở đầu phong trào nổi dậy trong toàn quốc. Trong cùng năm ấy, một chàng trai rất trẻ, vốn là công nhân luyện kim, đã gia nhập Công đoàn Luyện kim Thành phố Sao Bécnarơđô du Campo (Sao Bernardo do Campo) ở Sao Paulo (Sao Paulo) Braxin, với niềm tin vào cuộc đấu tranh chống độc tài và nghèo đói ở đất nước mình. Ông thuộc về một thế hệ mới các nhà đấu tranh xã hội. Và hiện nay ông vẫn tiếp tục đấu tranh vì công lý trên cương vị là Tổng thống Braxin. Có lẽ ông chưa biết rằng mình cũng là ''con cháu'' Bác Hồ.

Những cuộc đấu tranh ấy và bước tiến cách mạng đã làm cho sự can thiệp ngày càng thô bạo hơn. Trong năm 1973, tại Urugoay, giới quân phiệt đã tuyên truyền và chúng thiết lập một nền độc tài đẫm máu; các nhà tù chứa đầy những nhà đấu tranh xã hội; Đảng Cộng sản và Phong trào giải phóng dân tộc Tupamarốt bị xóa sổ. Ở Chilê, tiếp sau hành động phá hoại nặng nề do Kítxingiơ chỉ đạo, đã nổ ra cuộc bạo loạn phátxít của Pinôchê và sự hi sinh của Xanvađo Agienđê. Tất cả những cương lĩnh giải phóng dân tộc dựa trên sự tham gia của nhân dân vì mục tiêu công bằng xã hội đã bị đàn áp một cách đẫm máu. Sự đàn áp ở En Xanvađo, Nicaragoa và Guatêmala đã để lại hàng trăm nghìn người chết.

Những người di cư trên toàn châu Mỹ buộc phải đến lánh nạn tại Mêhicô dưới sự che chở của nhân dân Mêhicô. Từ đó, tại Mêhicô, chúng tôi sáng lập ra Liên đoàn các nhà báo Mỹ Latinh (FELAP); chúng tôi cũng thành lập Ủy ban Đoàn kết quốc tế, và một trong những thành viên của Ủy ban mang tên “Hội những người bạn của Việt Nam”. Trong Ủy ban và trong Hội, đã có nhiều nhân vật hết sức quí giá tham gia, như ông Mácxêlô Kirôga Xanta Crudơ (Marcelo Quiroga San ta Cruz), thủ lĩnh những người xã hội chủ nghĩa đã bị sát hại khi trở về Bôlivia; Bà Ôrơtenxia Buxi (Hortensia Bussi), quả phụ cố Tổng thống Xanvađo Agienđê; ông Pêđrô Vútcôvích (Pedro Vuskovik), cựu Bộ trưởng Kinh tế của Xanvađo Agienđê; ông Ghidécmô Tôriêgiô (Guillermo Toriello), Ngoại trưởng thời Chính phủ Cách mạng Ácben (Arbenz) ở Guatêmala; ông Phơrăngxixcô Huliao (Francisco Juliao), nhà tổ chức không mệt mỏi các Liên đoàn Nông nghiệp ở Braxin; ông Cáclốt Kihanô (Carlos Quijano), nhà trí thức xuất sắc của Urugoay; ông Phơrăngxixcô Đê Axít Phécnăngđét, nhà thơ Xanđinít; các ông Augúxtin Cuôivát (Augustín Cuevas) của Êquađo; Mariô Xalaxa (Mario Salazar) của En Xanvađo; Hôxê Luit Gônxalét (Jose Luis Gonzalez) của Puécto Ricô; Rôbéctô Puigrốt (Rodolfo Puigros), cựu Hiệu trưởng Trường Đại học Buenốt Airét; Hênarô Cácnêrô Chêca (Genaro Carnero Checa), nhà báo Pêru, người sáng lập và là Tổng Thư ký của FELAP; ông Hêra Pie Sáclơ (Gerard Pierre Charles), lãnh tụ cộng sản quý giá của Haiti và là người thầy của nhiều thế hệ các nhà đấu tranh cũng như phu nhân của ông là bà Xuxi Cáxtơ (Susy Castor); ông Hôrơhê Tunê (Jorge Turner), lãnh đạo Đảng Tiền phong Dân tộc của Panama; ông Raphaen Vêrơgara (Rafael Vergara), của Phong trào M-19 của Côlômbia; ông Gabrien Gácxia Mácket (Gabriel Garcia Marquez) người Côlômbia - Giải thưởng Nôben về văn học; các nhà chính trị và trí thức có tầm cỡ của Mêhicô, như Pablô Gônxalét Casanôva (Pablo Gonzalez Casanova) - (cựu Hiệu trưởng Trường Đại học Tự trị Quốc gia Mêhicô); Quautêmốc Cácđênát (Cuauhtemoc Cardenas) và Anhêlica Arênan (Angelica Arenal), quả phụ của người thầy thiên tài Đavít Xekâyrốt (David Sequeiros) - giải thưởng hòa bình Lênin.

Tại sao tôi lại nhớ đến một danh sách dài những nhà đấu tranh người Mỹ Latinh như vậy? Vì hai lẽ, trước hết vì họ đều là những nhà chính trị có uy tín ở trong nước họ và đã đóng góp có ý nghĩa vào phong trào giải phóng lục địa; thứ hai, vì trong số họ, tuy có thể có những điểm khác nhau về chính trị, nhưng họ đều nhất trí với nhau trong những vấn đề cơ bản. Hơn nữa, tôi là người từng có vinh dự được đứng đầu "Hội những người bạn Việt Nam'' ở Mêhicô, nên tôi biết rõ tất cả họ đều hết sức tôn trọng Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong các bài viết và các cuộc diễn thuyết của họ, trong các cuộc míttinh và biểu tình có họ tham gia, họ đều quyết tâm đoàn kết với Việt Nam. Có thể các thế hệ mới chưa biết tên tuổi của họ, cũng như không rõ cuộc đấu tranh của họ, song tình yêu của họ đối với Việt Nam đã hun đúc nên một truyền thống bất diệt. Ngày hôm nay tại Mỹ Latinh, cái tên Việt Nam Anh hùng của Hồ Chí Minh tiếp tục sống mãi trong trái tim của chúng tôi.

Đã lâu lắm rồi, nhà cách mạng Cuba Hoan Antôniô Mêgia (Juan Antonio Mella) đã nói điều mà hôm nay vẫn còn nguyên giá trị: ''Hiện nay, điều chính đáng duy nhất là đấu tranh''. Đấu tranh trong một thế giới đã và đang thay đổi đòi hỏi chúng ta phải có một sự suy ngẫm thường xuyên để cho sự giải phóng và chủ nghĩa xã hội sớm thành hiện thực. Nếu ngày hôm qua chúng ta cầm vũ khí để chiến đấu, thì ngày hôm nay chúng ta cần chiến đấu với những vũ khí mới, nhưng là để tiếp tục đấu tranh trong một thế giới quá đông dân cư này, với số người đói ăn và nghèo khó nhiều hơn bất cứ lúc nào, với môi trường bị tàn phá, một thế giới cực kỳ phức tạp và bị toàn cầu hóa, đầy rẫy những tụ điểm căng thẳng và chiến tranh, bề ngoài có vẻ khác chiến tranh trước đây nhưng lại có cùng xuất xứ, kể cả mọi hình thức tồi tệ nhất của chủ nghĩa khủng bố. Trong cuộc chiến đấu này, mà rõ ràng là một trận chiến lớn vì tự do của toàn nhân loại, chúng ta cần phải lắng nghe những tiếng nói bất diệt của những người thầy của chúng ta.

Xin cám ơn Thầy Hồ Chí Minh về lời dạy và tấm gương của Người. Một tấm gương tuyệt vời về tình yêu thương và sở trường cách mạng hiện trong đức tính cá nhân, trong nhiệm vụ chính trị, trong công tác quần chúng, trong công tác tổ chức Đảng, trong chính sách mặt trận, trong cuộc đấu tranh vì khối đoàn kết toàn dân, trong sự lãnh đạo cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, trong công cuộc xây dựng một xã hội mới và trong sự tin tưởng về một nhân loại tự do.

Igơnaxiô Goonxxalết Hanxen/Nguyên Chủ tịch “Hội những người bạn của Việt Nam” ở Mêhicô

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Liên kết website